Trà Sữa Cafe
TIN MỚI NHẤT

Tâm sự

Cộng đồng

Video clip

Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền?


Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền?
Trong những ngày tháng chông chênh nhất của tuổi trẻ, bạn tôi có nói với tôi rằng: sự nhạy cảm lẽ ra phải là một món quà đối với thế giới, thay vì là lời nguyền với những người sở hữu nó.
Câu nói đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài, bởi trong một xã hội ngày càng ồn ào, phù phiếm và thực dụng, nơi mà lời khuyên tốt nhất đối với một người con trai là làm giàu bằng mọi cách, và lời khuyên tốt nhất đối với người con gái là làm đẹp (cũng bằng mọi cách), thì đâu là nơi tồn tại cho những người nhạy cảm, lãng mạn, theo đuổi sự tĩnh lặng và những giá trị đạo đức? Đâu là nơi tồn tại cho những người hướng nội mang lời nguyền là sự nhạy cảm của chính mình?
Keanu Reeves - một trong những diễn viên hướng nội được biết đến nhiều nhất

Lời nguyền hướng nội trong xã hội hướng ngoại

Một bà chị hướng nội tôi quen là người yêu nghề, chăm chỉ, có tinh thần cống hiến và đầy trách nhiệm. Nhưng nhược điểm là trực tính, không khéo ăn khéo nói, vì vậy mà thường xuyên thua thiệt trong các cuộc họp khi đồng nghiệp cố tình tranh công hay đổ trách nhiệm. Đó cũng không phải là người biết "cư xử khéo léo", biết "gần gũi" cấp trên.
Vì vậy sau hai năm cống hiến, cuối cùng chị cũng phải nghỉ việc, khi nhận ra rằng vị trí hợp đồng mà chị phấn đấu để được kí, vốn từ lâu đã được dàn xếp cho một người khác. Đó là một người mới, và là người quen của cấp trên.
Một người bạn hướng nội khác của tôi là một cô gái thông minh, tử tế và mạnh mẽ. Cô ấy đã đấu tranh hết mình để bảo vệ tình yêu, ngay cả khi tất cả bạn bè đều khuyên rằng người yêu của cô ta không xứng đáng. Nhưng cô bạn tôi quá tử tế để tin rằng tình yêu nhẫn nại và bao dung của mình có thể cảm hóa được người kia, và cũng quá mạnh mẽ để tin rằng "bỏ cuộc không bao giờ là lựa chọn của bản chất con người".
Để rồi giữa thực tế cuộc sống phũ phàng, anh người yêu cuối cùng bỏ đi theo người mới, bỏ lại tình yêu của bạn tôi như con chim bước hẫng, đâm thẳng vào bức tường, đến nát vụn, rỉ máu, không còn cất lên tiếng hót.
Một người em hướng nội khác lại có ước mơ được đi nhiều nơi, và học tốt tiếng Anh là chìa khóa để em thực hiện ước mơ đó. Là người tỉ mỉ, chu đáo, chăm chỉ, em xin vào làm trợ giảng tại một trung tâm Tiếng Anh và đặt nhiều tâm huyết vào đó. Những tưởng đó là một lựa chọn đúng đắn để em thực hiện ước mơ, nhưng rồi cuối cùng một ngày, em phải rời xa công việc của mình, vì bị nhận xét là quá ít nói và không biết bày tỏ sự thân thiện với học viên.
Đó là những gì mà người hướng nội phải đối mặt hàng ngày trong cuộc sống của mình. Và sau hàng trăm, hàng ngàn lần như thế, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể không tự chất vấn:
"Tại sao mình cống hiến như vậy, mà cuối cùng họ lại âm thầm chơi xấu sau lưng?"
"Tại sao mình đã cho đi chân thành, để rồi cái nhận lại là phản bội?"
"Tại sao mình không thể sống "khéo" hơn, trong khi dường như mọi người đều có thể?"
...
Tất cả đều dẫn đến một câu hỏi:
Phải chăng có gì đó không ổn, trong chính tính cách của mình?
Và rồi như cô công chúa Elsa trong bộ phim hoạt hình Frozen, không ít người hướng nội cảm thấy mình sinh ra đã mang sẵn một lời nguyền, và họ ngày càng cô lập trong những bức tường tự bản thân xây nên. Có những người có thể vượt lên bằng cách thay đổi bản thân mình cho giống với những người hướng ngoại, và thi thoảng "đi trốn" để thoát khỏi những áp lực ồn ào từ xã hội. Có những người mãi mãi vụn vỡ, mãi mãi lo lắng, không thể tìm thấy giá trị của bản thân. Có những người mắc chứng trầm cảm. Và có cả những người tìm đến con đường tự kết liễu.
Lẽ nào người hướng nội cứ phải tìm cách thay đổi bản thân mình, lắng nghe theo những lời thúc giục "nói nhiều hơn", "mạnh dạn hơn", "hòa đồng hơn", "khôn khéo hơn"...mà không thể sống một cách trọn vẹn và hài lòng như tính cách vốn có?
Hay sinh ra là người hướng nội trong xã hội này, vốn đã là mang trong mình một lời nguyền?

‎Tìm về bản chất của hướng nội và hướng ngoại

Carl Jung cho rằng: người hướng nội là người lấy năng lượng bằng việc ở một mình
Thuật ngữ hướng nội (introversion) và hướng ngoại (extraversion) được phổ biến đầu tiên bởi nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung vào năm 1921. Theo quan điểm của Jung, người hướng nội là những người lấy năng lượng bằng việc ở một mình. Còn người hướng ngoại lấy năng lượng bằng việc tiếp xúc với những người khác.
Kể từ đó, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên đặc điểm hướng nội, hướng ngoại của con người. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu của giáo sư Jerome Kagan tại Đại học Harvard, được bắt đầu thực hiện từ năm 1989 và vẫn tiếp tục đến hiện tại.
Giáo sư Jerome Kagan
Trong thí nghiệm này, 500 trẻ em sơ sinh (4 tháng tuổi) đã được đưa đến phòng thí nghiệm Phát triển thiếu nhi tại Harvard (Laboratory for Child Development). Tại đây, từng em được cho tiếp xúc với những kích thích mới như bóng bay nhiều màu, giọng nói người lạ, hơi cồn...
Kết quả là khoảng 20% các em nhỏ khua chân, khua tay liên tục, cho thấy sự "nhạy cảm cao" (high-reactivity) với những kích thích này. Vào khoảng 40% thì hoàn toàn yên lặng và thờ ơ. Khi các em nhỏ ở lớn lên, các em lại được kiểm tra. Và kết quả của thí nghiệm này rất thú vị: chính những em nhỏ khua chân tay mạnh lúc 4 tháng tuổi, lại chính là những người có xu hướng cao lớn lên trở thành người hướng nội. Còn những em nhỏ không có phản ứng phát triển thành người hướng ngoại.
Hành động khua tay, khua chân, không xuất phát từ sự hào hứng, mà tự sự cảnh giác, đánh đồng tác nhân mới với dấu hiệu nguy hiểm. Thí nghiệm này khẳng định: nhạy cảm với các kích thích bên ngoài (high-reactivity) chính là bản chất phân biệt người hướng nội và hướng ngoại.
Nhiều nghiên cứu khác sau đó đã khẳng định điều này. Ví dụ người hướng nội thường nghe nhạc nhỏ hơn, để màn hình điện thoại tối hơn, dễ tổn thương hơn, và thậm chí là da mỏng hơn, và tiết nhiều nước bọt hơn so với người hướng ngoại khi nhìn thấy quả chanh.
Mọi cảm xúc tích cực và tiêu cực đối với người hướng nội được phóng đại lên nhiều lần, và đó là lý do vì sao người hướng nội luôn tránh những kích thích khiến họ cảm thấy "vượt ngưỡng": nơi ồn ào, làm việc mạo hiểm, tiếp xúc với người lạ... và là nguồn gốc sinh học của tính cách rụt rè, cẩn trọng, thích yên tĩnh đặc trưng.
Câu hỏi là: nếu hướng nội là một lời nguyền và luôn chịu thua thiệt so với người hướng ngoại, thì tại sao người hướng nội vẫn tồn tại được qua quá trình tiến hóa và chọn lọc khắc nghiệt của tự nhiên?
Các nhà tự nhiên học qua quá trình nghiên cứu, đã phát hiện ra rằng không chỉ con người, mà có hàng trăm loài trong tự nhiên cũng được phân ra thành các cá thể "hướng nội" và "hướng ngoại".
Những cá thể chim "hướng ngoại", hiếu chiến, sẽ tồn tại hiệu quả hơn khi nguồn thức ăn khan hiếm. Nhưng khi thức ăn sẵn có, thì những cá thể "hướng nội" luôn cảnh giác và tránh mạo hiểm, sẽ biết cách tiết kiệm năng lượng và tránh khỏi những kẻ săn mồi tốt hơn những cá thể hướng ngoại hiếu chiến không cần thiết.
Những nghiên cứu này khẳng định một điều: hướng nội không có gì là sai. Cả hướng nội và hướng ngoại đều là những chiến lược sinh tồn hiệu quả của tự nhiên. Và giống như cô công chúa Elsa khi đã chế ngự được sức mạnh của mình, có thể biến sức mạnh của mình từ một lời nguyền thành món quà, những người hướng nội cũng có thể biến "lời nguyền" của mình thành những khả năng hiếm có.

Hóa giải lời nguyền hướng nội

Một người hướng nội chưa làm chủ được chính mình có rất nhiều ngược điểm: rụt rè, không dám thể hiện bản thân, ngại giao tiếp, thường hay cô lập, thiếu quyết đoán, suy nghĩ quá nhiều... thậm chí có những nghiên cứu chỉ ra rằng người hướng nội có nguy cơ mắc trầm cảm và tự tử cao hơn người hướng ngoại. Nhưng khi những người hướng nội đã làm chủ được sự nhạy cảm và rụt rè của chính mình, thì họ lại là những cá nhân tuyệt vời.
Nhân vật Walter Mitty trong phim "Cuộc đời bí mất của Walter Mitty" là một nhân vật hướng nội điển hình.
Bạn có để ý, trong những bước tiến lớn nhất của nhân loại, phần lớn đều được thực hiện bởi người hướng nội? Albert Einstein, Issac Newton, Abraham Lincoln, Mahatma Gandhi, Bill Gates, Larry Page, Mark Zuckerberg... đều là những người hướng nội đã thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta. Họ là những người đã chỉ cho chúng ta thấy, người hướng nội có thể trở nên tuyệt vời như thế nào:
"Sức mạnh không đến từ thể chất. Nó đến từ ý chí bất khuất" (Mahatma Gandhi)
Sự nhạy cảm là thứ khiến người hướng nội có vẻ mỏng manh, yếu đuối hơn người hướng ngoại. Nhưng khi người hướng nội học được cách làm chủ cảm xúc của mình, thì nhạy cảm chính là nền tảng của lòng cảm thông, và khả năng thấu hiểu đặc biệt của người hướng nội.
Khả năng đó giúp người hướng nội có khả năng kết nối đặc biệt với những người khác, ở một mức độ sâu sắc. Mahatma Gandhi là nhân vật hướng nội điển hình, đã thống nhất được ý chí của nhân dân Ấn Độ và giành lại độc lập cho đất nước Ấn Độ từ tay thực dân Anh với phương pháp đấu tranh bất bạo động.
Câu chuyện Newton và quả táo
Người hướng nội thích ở một mình, và có khả năng tập trung rất cao. Vì vậy người hướng nội rất phù hợp với "tập luyện nâng cao" (deliberately practice). Sự tập luyện này là nền tảng để trở thành chuyên gia, và giúp người hướng nội phát triển năng lực sâu trong một vài lĩnh vực nào đó. Để xây dựng được Facebook hay Google, Mark Zuckerberg và Larry Page đã phải mất hàng ngàn giờ để "vọc" máy tính trước đó.
Người hướng nội ít bị ảnh hưởng bởi đam mê tiền bạc, danh vọng... hơn người hướng ngoại. Và với bản tính thích suy tư, họ dễ dàng nhìn thấy bản chất của vấn đề, cũng như những nguy cơ dài hạn. Vì vậy chỉ cần người hướng nội có niềm tin vào một tầm nhìn nào đó, họ sẽ có sự kiên định và dũng cảm hơn bất kì ai khác trong việc đấu tranh để biến tầm nhìn đó trở thành sự thực.
Nguyên phó tổng thống Hoa Kỳ Al Gore
Ứng cử viên tổng thống AI Gore là một người như vậy. Bằng sự kiên định và lòng quyết tâm không đổi, ông sẵn sàng thuyết trình tới từng gia đình một, từng người dân một, cho tới khi mọi người có thể ý thức đầy đủ về vấn đề "nóng lên toàn cầu". Ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình 2007 "vì những nỗ lực xây dựng và giúp mọi người nhận thức về sự thay đổi khí hậu mà tác nhân chính là con người, cũng như thiết lập nền tảng cho các biện pháp cần thiết để xử lý vấn nạn này".
Nhờ khả năng tập trung cao độ, và làm việc vì niềm tin hơn là phần thưởng, người hướng nội dễ dàng đạt được trạng thái "flow" của bộ não, trạng thái tập trung cao độ đến mức quên bản thân mình. Đây là trạng thái tối ưu cho việc sáng tạo, vì vậy không lạ khi nhiều người hướng nội có khả năng sáng tạo rất cao. Tới nay, Thomas Edison vẫn là một tấm gương về sự sáng tạo, với tổng cộng 1.500 bằng sáng chế.
Để trở thành một người hướng nội "trưởng thành", người hướng nội cần dừng hoài nghi về bản thân mình, chấp nhận sống với tính cách của mình và dần dần cải thiện. Chỉ bằng cách đi theo thiên hướng của mình, người hướng nội mới có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình. Một số lời khuyên cụ thể:
Học cách kiểm soát cảm xúc. Bằng cách kiềm chế những cảm xúc "vượt ngưỡng", người hướng nội mới có thể khai thác triệt để năng lực suy nghĩ của bản thân và dồn năng lượng tạo thành hành động.
Ngừng hoài nghi. Tìm kiếm những giá trị mà bản thân tin tưởng. Những dự án mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa. Xây dựng niềm tin vào nó, và nó sẽ là động lực để người hướng nội có động lực mạnh mẽ làm mọi điều khác.
Khai thác sức mạnh của sự nhạy cảm, tập trung, tập luyện nâng cao (deliberate practice) và trạng thái flow. Điều đó có nghĩa là mạnh dạn nghe theo cảm xúc, chấp nhận việc "đi trốn" khi cần làm những công việc nghiêm túc, cần sáng tạo, hoặc đấu tranh để được lựa chọn địa điểm và thời gian làm việc phù hợp với bản thân mình.
Thể hiện bản thân nhiều hơn: đây là việc mà người hướng nội ngại làm. Nhưng chỉ bằng cách mạnh dạn thể hiện tiếng nói, đòi hỏi giá trị mà mình tin tưởng, người hướng nội mới có thể có được môi trường mà mình mong muốn. Đặc biệt là qua việc viết, hoặc mạng xã hội, hai công cụ truyền đạt mà người hướng nội có thế mạnh sử dụng.
Đối diện với nỗi sợ. Những việc sợ làm là những việc đáng là nhất là câu nói đúng nhất với những người hướng nội. Bằng việc dần dần đối mặt với từng nỗi sợ của mình, người hướng nội sẽ có đầy đủ kĩ năng và vị thế để đạt được điều mình mong muốn.

Lời kết

Cuộc trò chuyện giữa tôi và cô bạn hướng nội đôi khi dài như một chương tiểu thuyết, nhưng nhiều lúc cũng rất ngắn: "Ổn không / Vẫn ổn". "Bị sao thế? / Mấy hôm nữa sẽ trở lại"... hoặc đôi khi chỉ inbox để nhắc nhau rằng "Cậu là một người bạn tuyệt vời!". Chỉ cần vậy thôi, là đủ. Bởi người hướng nội thực sự lắng nghe, thực sự chia sẻ, và luôn có mặt đúng lúc. Chỉ cần có một người bạn hướng nội, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình cô độc giữa thế gian.
Vì thế mà tôi chưa bao giờ ngừng tin tưởng rằng, chỉ cần vượt qua được "lời nguyền", những người hướng nội sẽ là những người tuyệt vời nhất. Tôi mong rằng những người hướng nội có thể ngừng hoài nghi bản thân, cất tiếng nói nhiều hơn, kết nối với nhau nhiều hơn, và cùng nhau tạo nên một môi trường để người hướng nội hay hướng ngoại đều có thể sống tốt mà không cần cố gắng biến mình thành một ai đó khác!
Theo YBox, NHATANHNGX
Trí Thức Trẻ

Nữ triệu phú Michelle Phan: Đứng dậy từ trầm cảm để làm lại từ đầu

"Trước đây những khát vọng của tôi được định hình bởi những người xung quanh. Giờ đây, tôi nhận ra mình phải tự quyết: “Tôi thực sự muốn gì cho bản thân?”. “Phù thuỷ trang điểm” người Mỹ gốc Việt Michelle Phan là một trong số những người gặt hái được khá nhiều thành công, khi bắt đầu sự nghiệp của mình trên kênh YouTube và sau đó thu hút được gần 9 triệu người theo dõi.

Cô là người sáng lập công ty bán mỹ phẩm Ipsy từng được định giá hơn 500 triệu USD, và gần đây lại cho ra mắt tiếp thương hiệu mỹ phẩm Em Cosmetics sau gần 1 năm liền “biệt tích giang hồ” trên mạng xã hội.
Trước đây vào năm 2013, Michelle từng tung ra Em thông qua sự hợp tác với tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal, nhưng đã thất bại do bị xem là có giá bán quá cao. Tới năm 2015, Michelle mua lại thương hiệu EM từ L’Oreal để tự phát triển nó lại theo hướng đi của riêng mình.
Dưới đây là những lời chia sẻ của Michelle trên các trang Refinery29 và TeenVogue về việc tại sao từ chỗ là một “nữ hoàng” trên YouTube, cô lại rời bỏ mạng xã hội trong một thời gian dài để rồi quyết định vực dậy một thương hiệu từng thất bại:

Khởi đầu sự nghiệp

Trang điểm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi từ khi còn là một đứa trẻ lớn lên trong tiệm nail nơi mẹ tôi làm việc. Hằng ngày, tôi ở đó và bắt điện thoại trả lời: “San Francisco Nails xin nghe, tôi có thể giúp gì cho bạn?” Xung quanh tôi luôn là các tạp chí làm đẹp, trang điểm và những sắc màu. Tuy nhiên, mẹ lại muốn tôi trở thành bác sĩ hơn bởi vì bà ấy nghĩ: “ Con sẽ chẳng kiếm được tiền với cái nghề trang điểm”. Tôi đã dành cả cuộc đời để học làm bác sĩ nhưng vào phút chót, thay vì nộp đơn vào trường y, tôi lại quyết định chọn một trường nghệ thuật. Và mẹ tôi thực sự thất vọng khi nghe tôi thông báo điều đó.
Nu trieu phu Michelle Phan: Dung day tu tram cam de lam lai tu dau
Michelle Phan và các mẫu thiết kế mới cho Em Cosmetics. Ảnh: Instagram
Thế nhưng ngôi trường nghệ thuật ấy mới chính là thế giới của tôi và nó đã dẫn bước tôi đến với trang điểm. Trước khi Internet phổ biến như ngày nay, tôi đã tự mày mò học các mẹo trang điểm từ những trang sách của Kevyn Aucoin, Laura Mercier hay Bobbi Brown. Tôi không có tiền, vì vậy tôi thường đến hiệu sách Barnes & Noble để “đọc cọp”, và đó là nơi tôi tìm thấy những bản hướng dẫn làm đẹp trước khi có YouTube. Tôi đã từng rất yêu thích cái cách Kevyn Aucoin biến Martha Stewart thành một người khác như thế nào. Sau đó, khi YouTube xuất hiện, tôi đã vận dụng mọi thứ để có thể trở thành một Michelle Phan như hôm nay.

Trở thành một “video girl

Tôi đã tải video YouTube đầu tiên của mình lên cho vui, nhưng thực ra cũng có một chút chiến lược đằng sau đó. Tôi cho rằng nếu mình có thể xây dựng sức ảnh hưởng và có những người theo dõi, có thể tôi sẽ nhận được cơ hội phỏng vấn và ai đó sẽ thuê tôi chăng. Chính vì thế, tôi đã xem nó như một lợi thế cạnh tranh trong nghề trang điểm, nhưng tôi thật sự không thể ngờ mọi thứ lại thành công như thế này. Nếu tôi đã nghĩ trước tới chuyện đó, có lẽ tôi đã sớm thay đổi nhiều thứ vì bản thân tôi cũng mắc khá nhiều sai lầm trong giai đoạn đầu. Tất cả mọi thứ đều là tình cờ và tôi phải vừa học vừa làm trong suốt quá trình khởi nghiệp.
Tôi thật sự cảm thấy rất lo lắng, bởi vì mọi thứ rất mau lỗi thời trên Internet. Trước Myspace là Friendster và sau Myspace là tới Facebook. Những nền tảng phương tiện truyền thông xã hội này giống như những hộp đêm vậy. Mỗi nơi chỉ có một thời để “hot”, và sau đó mọi người sẽ chuyển sang những sân chơi khác. Tôi biết rằng mình có không có nhiều thời gian. Tôi không phải người tin vào tuổi tác, nhưng tôi nghĩ rằng: “Đây là thế giới làm đẹp, sẽ không có chỗ đứng cho tôi sau tuổi 25. Tôi sẽ bị thay thế bởi những người trẻ hơn, ‘hot’ hơn và được yêu mến hơn”.
Đó là lý do tại sao tôi hối hả hết sức. Tôi nghĩ rằng nếu mình chăm chỉ làm việc khi còn trẻ, về lâu dài mọi thứ sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn. Vì vậy, tôi mải mê làm việc. Tôi đã phát triển ipsy cùng lúc với việc xây dựng một dòng sản phẩm mới cho Lancôme, đồng thời vẫn biên tập và upload 2 video mỗi tuần. Toàn bộ cuộc đời tôi chỉ xoay quanh công việc. Tôi không đi ra ngoài hay có bất kỳ mối quan hệ xã hội nào cả. Tôi biết rằng nếu muốn đạt được thành công, tôi sẽ phải hy sinh rất nhiều.

Thất bại chưa hẳn là kết thúc

Sau sự hợp tác thành công với Lancôme, đến lượt L'Oréal tìm đến tôi và thế là thương hiệu Em Cosmetics ra mắt vào năm 2013. Họ đưa ra lời đề nghị: “Hãy nắm lấy cơ hội và thử đi.” Chúng tôi đã bắt đầu với 200 sản phẩm và tôi đã nắm quyền quyết định khá nhiều màu sắc và ý tưởng (concept), nhưng không được tham gia nhiều về mặt quyết định kinh doanh.
Nhìn lại những gì đã qua, tôi thấy mức giá khi ấy là quá cao cho những đối tượng mà tôi hướng nhắm đến, như giới sinh viên hay học sinh trung học. Và rồi chúng tôi chấm dứt dự án đó với kết quả không như mong đợi, nhưng cả hai bên đều học được một điều gì đó từ thất bại này. Xét cho cùng, nếu bạn học được điều gì đó và bạn có thể trưởng thành hơn từ đó, tôi nghĩ đó cũng là một sự thành công.
Nu trieu phu Michelle Phan: Dung day tu tram cam de lam lai tu dau
Michelle Phan lúc ra mắt Em Cosmetics hồi năm 2013. Ảnh: blogspot.com
Vào thời điểm đó, khi thương hiệu EM thất bại, tôi thực sự rất buồn. Đó là 3 năm cuộc đời đã trôi qua mà tôi không thể nào lấy lại được. Tôi đã đi rất nhiều nơi, tôi chẳng khi nào có mặt ở nhà, tôi không gặp mặt gia đình mình. Cảm giác thất bại kinh khủng như thế đấy.
Khi ấy, có những diễn đàn được lập ra chỉ để chỉ trích Em, và tôi thấy giống như mình đang bị bắt nạt trên mạng vậy. Tôi không cãi lại ai cả, dù lẽ ra tôi đã có thể nói rất nhiều thứ, vì vấn đề với Internet là bạn không thể kỳ vọng có một cuộc tranh luận đường hoàng trên đó và giành được chiến thắng.
Có rất nhiều người cố tình hiểu nhầm ý bạn. Với những người đó, bạn đã thua cuộc tranh luận ngay từ đầu và việc cố thuyết phục họ làm ngược lại sẽ chẳng được gì. Thay vì dồn sự chú ý vào những người tiêu cực, tôi để ý tới những người tích cực. Đó là điều mà tôi muốn nói với mọi người: đừng mất công cố thuyết phục những người tiêu cực, bạn không thể làm được chuyện đó bằng lời. Cách tốt nhất để thuyết phục mọi người là bằng hành động. Những lời hoa mỹ có thể làm được vài chuyện, nhưng chỉ có hành động mới làm mọi người phải im lặng.
Vào năm 2015, khi ipsy huy động vốn được 100 triệu USD, tôi quyết định mua lại EM Comestics. Tôi muốn tự do. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất. Khi bạn có cảm giác tự do, bạn có thể làm được nhiều thứ. Bạn có thể tự mình lèo lái hướng đi của công ty, và đó là cảm giác tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi học nghệ thuật đấy chứ, tôi có học kinh doanh gì đâu. Bây giờ nhìn lại, tôi phải thốt lên “Wow, lẽ ra mình đã phải thay đổi nhiều thứ từ đầu”.

“Giải độc” mạng xã hội

Thời gian biểu 10 năm qua của tôi luôn là quay phim, biên tập, upload và trả lời các bình luận. Công việc ấy không có ngày nghỉ nào, nghe cứ như một bệnh viện vậy. Tôi đâm ra lo lắng bất cứ khi nào nghe thấy điện thoại mình phát ra âm thanh “ding”. Đó là khi tôi nhận ra thế này là không ổn cho mình tí nào. Vì vậy, tôi bắt đầu thử làm những chuyện nhỏ nhặt. Tôi tháo dây sạc khỏi máy laptop, và khi nào máy hết pin thì tôi cũng ngừng làm việc. Tôi bắt đầu nghỉ ngơi và thư giãn. Tôi ngủ hoặc làm những chuyện không liên quan đến việc phải lên mạng.
Sau đó, tôi bắt đầu rút lui khỏi thế giới online suốt cả cuối tuần. Và khi điều đó chưa đủ, tôi bắt đầu thấy phải hành động nhiều hơn. Tôi vẫn cảm thấy như mình không thể nào thoát khỏi, thấy buồn và cảm giác như đang bị trầm cảm vậy. Vì vậy, tôi đã lên mạng và làm thử một bài test “Bạn có bị trầm cảm không?”. Trang đầu tiên bảo rằng “Bạn đang bị trầm cảm nghiêm trọng.”. Tôi thử nhiều bài test hơn sau đó và nhận được những kết quả tương tự. Chính điều đó đã làm tôi thức tỉnh. Tôi không muốn trở thành một nữ doanh nhân dành 100% thời gian của mình để làm việc nhanh, nhanh nữa, nhanh mãi trong khi tinh thần thì ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng.
Nu trieu phu Michelle Phan: Dung day tu tram cam de lam lai tu dau
Michelle Phan trong một chuyến đi chơi ở Việt Nam. Ảnh: Instagram
Tôi nhận ra rằng, tôi kiếm được nhiều tiền với Ipsy, tôi hài lòng với kênh YouTube của mình, tôi đã đạt được mọi thứ tôi muốn. Vậy tại sao tôi cứ thấy cần phải đạt được nhiều thứ hơn nữa? Đó là khi tôi quyết định đóng gói cuộc sống của mình vào một cái va li nhỏ. Tôi thực sự muốn “quẳng gánh lo đi mà sống”. Tôi mua vé một chiều đến Thụy Sĩ ngay cả khi có những hợp đồng vẫn còn ngổn ngang đó. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm đi.
Tôi không có kế hoạch nào cả. Tôi vừa đi vừa lên lịch trình cho những nơi tiếp theo. Tôi đã đến Thụy Sĩ, Ai Cập, Amsterdam và Trung Quốc. Cuối cùng, tôi đã có thể nghe thấy những suy nghĩ của mình, và đó là điều làm thay đổi cuộc sống của tôi. Chúng ta đang sống trong thế giới nơi mà chúng ta luôn luôn trong trạng thái kết nối, nhưng chúng ta không dành được thời gian để kết nối lại với chính mình. Trong những chuyến đi, chỉ có tôi, thiên nhiên và những vì sao - không có WiFi hay bất cứ điều gì khác - và điều đó đã khiến tôi thay đổi. Nó neo tôi lại gần với thực tế.
Và theo một cách kỳ quặc, tôi thấy thời gian trôi qua chậm hơn, và mọi thứ trở nên đẹp hơn. Tôi ngắm nhìn các ngôi sao và chợt nhận ra “Wow! Chúng ta đang trôi trong lòng không gian kìa, và những lo lắng của tôi thật quá nhỏ bé”. Rất nhiều vấn đề mà chúng ta tự mang lại cho mình, những nỗi lo lắng và stress, là đến từ các tác nhân bên ngoài. Nhưng chúng ta có quyền quyết định để cho chúng ảnh hưởng tới mình hay không. Đó là điều mà tôi phải nhận ra, và chỉ có thể nhận ra bằng cách nhìn lại những gì đã qua. Nhưng làm sao có thể nhìn lại khi bạn luôn luôn bị stress?
Trong khi đó, nhiều người lo lắng là có khi tôi đã chết rồi. “Michelle đâu rồi, bạn ổn chứ?” Họ cho rằng có gì đó không ổn đang diễn ra với tôi. Nhưng tôi chỉ cần nghỉ ngơi thôi. Tôi chỉ muốn cho những người theo dõi biết rằng mình cần nghỉ ngơi, không ai có thể như cái máy cứ ở chế độ “ON” mãi được.
Rõ ràng, khoảng thời gian 7 tháng đó đã cho tôi rất nhiều sự bình an và giúp tôi tập trung lại sự chú ý của mình. Tôi nhận ra rằng trước đây những mục tiêu và khát vọng của tôi được định hình bởi những người xung quanh mình. Giờ đây, tôi nhận ra mình phải tự kiểm soát và quyết định: “Tôi thực sự muốn gì cho bản thân mình?”

Nhìn về phía trước

Khi tôi “gạt bỏ” hết áp lực của sự kỳ vọng và bận rộn, để nhận ra những gì mình muốn cho bản thân, tôi đã thấy tự do hơn rất nhiều. Tôi không tự chôn vùi mình trong quá khứ. Tôi đang tập trung cho ngày hôm nay, cho hiện tại, và đó là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi tung ra lại thương hiệu mới của mình.
Nu trieu phu Michelle Phan: Dung day tu tram cam de lam lai tu dau
Michelle Phan tại sự kiện GenBeauty ở Los Angeles. Ảnh: Instagram
Với tôi, điều quan trọng nhất là kiểm soát quá trình đổi mới mà tôi đang tập trung vào. Mặc dù chúng tôi đang tung ra những sản phẩm không phải là quá đột phá như là kem dưỡng môi và chì kẻ mắt, nhưng tôi vẫn có thể áp dụng kiến ​​thức nghệ thuật của mình để sáng tạo. Những cây eyeliner được lấy cảm hứng từ những cây bút tôi dùng để vẽ truyện tranh. Và màu sắc của chúng cũng là những màu có thực trên bảng màu nước. Linh hồn của tôi nằm ở trong đó và đó là điều mà tôi thực sự đầu tư vào. Công ty này thực sự là của tôi.
Và lần này, thất bại không còn làm tôi run sợ nữa. Tôi giống như Jon Snow vậy: Tôi không sợ chết lần nữa.
Ý Nhi
Nguồn Refinery29 / TeenVogue
Theo: nhipcaudautu

Truy tìm anh chàng đem “quái thú” Ducati gần 300 triệu chạy… xe ôm

Xưa nay, người ta luôn mặc định nghề chạy xe ôm là cái nghề của những con người cơ cực, chịu thương chịu khó, dãy nắng dầm mưa nên tất cả đều “hành nghề” bằng những con xe số, phong trần gió sương. Hiếm lắm mới có một ai đó sắm chiếc tay ga chở khách cho “oách xà lách” vậy mà phá bỏ những suy nghĩ đó, có một anh chàng cưỡi “quái thú Ducati” gần 300 triệu để chở khách như thế này đây.
Truy tìm anh chàng đem quái thú Ducati gần 300 triệu chạy... xe ôm - Ảnh 4.
Nguyễn Mạnh Hữu là tên của anh chàng chạy xe ôm đang được dân mạng săn lùng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hình ảnh này được cắt ra từ đoạn clip do một nữ hành khách quay lại vì quá bất ngờ trước độ chịu chơi của anh xế thú vị này. Ai mà ngờ đâu lại có một chàng trai trẻ cưỡi hẳn một con moto khủng ngót nghét 300 triệu chỉ để làm nghề xe ôm công nghệ cơ chứ. Chính bởi độ chịu chơi gây bất ngờ đó, đoạn clip ngay lập tức thu hút được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng thay phiên nhau like, share, bình luận khiến anh chàng nổi như cồn trong những ngày gần đây.
Truy tìm anh chàng đem quái thú Ducati gần 300 triệu chạy... xe ôm - Ảnh 2.
Một số dân mạng còn chụp lại được hình ảnh anh chàng chịu chơi này hành nghề (Ảnh: Facebook)
Tuy nhiên, nổi thì nổi vậy, nhưng bên cạnh những người tỏ ra thích thú và hy vọng một lần “vợt” được anh chàng xe ôm công nghệ này để thử cảm giác ngồi sau lưng con xe trăm triệu diễu phố, thì cũng không ít dân mạng chua chát cho rằng, anh chàng này… làm màu. “Thời buổi này dễ nổi tiếng ghê. Chỉ cần làm tí màu mè, làm chuyện khác người là nổi ngay. Nghĩ sao đi lái Ducati để chạy xe ôm cho người ta chú ý? Hay giàu quá rồi, không có chuyện gì để làm nên lái Ducati chở người lạ, lấy vài đồng cho khuây khỏa chơi?”.
Một bình luận khác hài hước hơn thì cho rằng: Theo kinh nghiệm 5 năm trong nghề bán trà đá của mình, mình cho rằng cậu xe ôm này trước đây làm xe ôm, chắc cũng thâm niên tầm chục năm gì đó, rồi tích cóp mua được chiếc môtô này, nhưng với bản tính chăm chỉ, chịu khó cộng thêm niềm đam mê nghề lái xe ôm nên anh ta vẫn chạy xe ôm trên con xe ấy. Mình nói có sai không?”
Truy tìm anh chàng đem quái thú Ducati gần 300 triệu chạy... xe ôm - Ảnh 3.
Liệu dùng môtô chạy xe ôm có phải là một hành động “làm màu làm mè” hay không? (Ảnh: Facebook)
Cứ thế, người ta ra sức bình luận, nói bóng nói gió, nói ngang, nói dọc trong khi chỉ mới coi đoạn clip hơn một phút trên mạng xã hội, mà anh chàng tội nghiệp đang mải “thả thính” khách hàng (nghe giọng là biết xinh gái rồi) không hề hay biết mình đang bị quay lén. Và để biết chính xác “nội tình” của câu chuyện, chúng tôi đã truy lùng được và liên hệ trực tiếp với chàng trai trên.
Anh chàng tài xế xe ôm công nghệ trong đoạn clip trên có tên là Nguyễn Mạnh Hữu. Hữu cho biết, đúng là chiếc Ducati “quái thú” anh đang chạy có giá thực tế không dưới 200 triệu, và đúng là anh đang chạy xe ôm bằng nó, nhưng không phải vì làm màu, càng không phải vì muốn kiếm nhiều tiền từ “nghề” xe ôm. Anh đem con phân khối lớn hàng trăm triệu ra đường hành nghề xe ôm, đơn giản chỉ để phục vụ đam mê và sở thích.
“Mình có đam mê xe phân khối lớn và cũng có sở thích vi vu ngoài đường, đi đây đi đó trong thành phố để lắng nghe các câu chuyện đời sống của những người khác nhau, dù xa lạ thôi. Thế là cộng cả đam mê và sở thích mình quyết định chọn việc lái môtô làm xe ôm công nghệ”.
Truy tìm anh chàng đem quái thú Ducati gần 300 triệu chạy... xe ôm - Ảnh 5.
“Mình cũng có sở thích vi vu ngoài đường, đi đây đi đó trong thành phố để lắng nghe các câu chuyện đời sống của những người khác nhau”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Anh chàng cũng nói thêm, chiếc “quái thú” anh đang dùng để chạy xe ôm là từ một người anh trong nhóm chơi cùng. “Mình có làm việc liên quan đến xe cộ nên chơi cùng nhiều anh em cũng chơi xe phân khối lớn. Bọn mình hay có hoạt động là “giao lưu xe cộ”, tương tự như trao đổi mua bán ấy. Chiếc xe này mình có từ việc giao lưu những chiếc xe của mình với anh bạn chơi cùng. Mình mê phân khối lớn và tự xoay sở kiếm tiền mua xe, chứ không phải là con nhà giàu sang chảnh gì cả!“.
Mạnh Hữu tiết lộ, anh chàng tự lập, sống xa gia đình từ năm 2 đại học. Việc chạy xe ôm chẳng liên quan gì với ngành học trước đây của anh chàng: Hữu học nhiếp ảnh tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Dù vậy, việc đó cũng không làm bố mẹ anh phiền lòng, ngoại trừ một chút lo lắng về sức khỏe khi con trai sống xa nhà.
Truy tìm anh chàng đem quái thú Ducati gần 300 triệu chạy... xe ôm - Ảnh 6.
Vì đam mê, vì sở thích thì sợ gì những lời chỉ trích của những người không quen. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trước câu hỏi có sợ chuyện bị chỉ trích cho rằng “làm màu” khi dùng chiếc môtô khủng gần 300 triệu để chạy xe ôm ngoài đường, anh chàng thẳng thắn: “Thật ra không riêng gì môtô, mà khi bạn lái một chiếc SH hay một con tay ga, tay côn xịn xịn để chạy xe ôm đã gây chú ý rồi. Đối với mình, chuyện người ta chú ý là chuyện của người ta, người ta bàn tán chỉ trích cũng kệ người ta, khi đó người ta sẽ là người khó chịu, mình không quan tâm.
Nếu mình làm cái gì vì sở thích, vì đam mê mà lo sợ ý kiến của người khác thì tốt nhất không nên làm nữa. Mình cho rằng nên tôn trọng bản thân trước, thích thì làm thôi, khi đó bạn sẽ được vui như mình bây giờ”.
Truy tìm anh chàng đem quái thú Ducati gần 300 triệu chạy... xe ôm - Ảnh 7.
Hình ảnh Nguyễn Mạnh Hữu cùng “người bạn” môtô trong một lần vi vu du lịch (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Anh chàng Mạnh Hữu cũng tiết lộ thêm vài tình huống hài hước khi dùng môtô để hành nghề, không biết nên cười hay mếu. “Thực ra động cơ của chiếc xe này khá nóng khi vận hành, thi thoảng mình hay bị “quê” khi xe đột ngột tắt máy giữa chừng. Rồi cả chuyện nóng đó cũng khiến mình không ít lần vừa chạy xe vừa suy nghĩ xem… lông chân có còn không hay cháy rụi rồi để về còn tính chuyện đi cấy lông. (Cười lớn) Cũng có lần mình bị khách hủy chuyến do khách thì… lùn còn xe mình khá cao, khi ngồi lên, với đặc thù của xe phân khối lớn thì hông hơi ưỡn ra sao, nhiều khách ngại ngùng không muốn leo lên”.
Đấy, qua những chia sẻ chân tình vừa rồi, chúng ta hiểu hơn về câu nói “mọi chuyện đều có lý do của nó” . Bị chỉ trích, bị hiểu lầm cũng chả là gì nếu thật sự dám theo đuổi đam mê và sở thích của bản thân mình. Cuộc đời mỗi người là của cá nhân mỗi người, hãy vì nó mà chọn những chuyện khiến ta vui vẻ, mình thích thì mình làm thôi!
Theo Thời Đại

Yêu 10 năm không cưới rồi lại chia tay vì người thứ 3

10 năm yêu nhau, cô gái chần chừ chưa muốn cưới vì chờ ổn định, để rồi tình yêu của cô lại rơi vào tay người thứ 3. Giờ đây, 27 tuổi, cô chơ vơ không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình…
“Tình học trò, 10 cặp thì chưa đến 1 cặp hạnh phúc đến cuối đời…” – nghe buồn thật đúng không! Cùng nhau đi qua bao nhiêu khó khăn, trải qua bao nhiêu biến cố, từng quỳ gối cầu xin gia đình chấp thuận, từng dành dụm tiền để thực hiện ước mơ, chờ tới lúc về chung một nhà và tận hưởng hạnh phúc mãi mãi bên nhau nữa thôi thì mọi chuyện lại tan nát theo cái cách không ai mong muốn nhất: người thứ 3!
Đó là câu chuyện của cô gái trong dòng tâm sự được đăng tải trên trang Confessions dưới đây.
Chỉ vừa đăng tải nhưng câu chuyện này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của rất đông cư dân mạng với hơn 18k lượt thích, hơn 2,3k lượt chia sẻ cùng cả ngàn bình luận.
Dưới đây là câu chuyện:
Từng quỳ gối xin gia đình chấp nhận cho yêu nhau
“Lần đầu chúng ta gặp nhau là đội tuyển Hóa lớp 10 và 11 học chung phòng. Anh thì giỏi Hóa, dễ gần hơn mấy anh khác trong đội tuyển nên giờ ra chơi nào em cũng mặt dày xuống lớp tìm anh hỏi bài. Thi đội tuyển có kết quả, em đậu Đồng nên nhắn tin mời anh ly trà sữa, em không hề có ý gì, chỉ là biết ơn anh thôi. Tưởng có kết quả đậu xong thì anh em mình ít gặp, nhưng giờ ra chơi nào anh cũng lên lớp tìm em, lấy cớ là “em con gái chữ đẹp viết hộ bài giùm anh” hay anh bao em ăn sáng vì em chép hộ bài bla bla.
3 tháng sau, anh bảo thích em, nhưng em không đồng ý vì em tự ti bản thân. Lúc đó anh buồn lắm, nhưng vẫn giữ quan hệ anh trai – em gái với em. Cứ bài nào không hiểu em lại hỏi anh, rồi dần ta nhắn tin nói về gia đình, cuộc sống, có để ý ai chưa. Anh lên lớp 12, em 11, anh tỏ tình em lần nữa, và em nhận ra mình cũng đã có chút tình cảm với anh rồi nên đồng ý. Em đồng ý nhưng trong lòng em lại rất sợ, sợ môn đăng hộ đối, nhưng yêu thì cứ yêu thôi. Tình yêu đôi ta là những giờ chơi ít ỏi tranh thủ gặp nhau, ngồi hàng ghế đá dưới gốc cây nói chuyện xàm xí, cùng ăn hủ tiếu vỉa hè. Em còn nhớ như in, lúc ăn hủ tiếu, tay anh định chạm tay em nhưng em ngại nên rụt tay lại, lúc ấy cả 2 đều bối rối không biết nói sao.
Và rồi mẹ em biết chuyện, phản đối kinh khủng, bảo là yêu cái gì mà yêu, chỉ là sự tò mò tuổi mới lớn thôi, học sa sút, trước sau gì ba má thằng đó biết chuyện 2 đứa thì cũng khinh mày, tại vì mày nhà nghèo. Nhưng qua hôm sau, anh tới nhà em không báo trước, anh giải thích với mẹ em về sự nghiêm túc tình cảm của cả 2. Dần dần ba mẹ 2 bên đều chấp nhận cho cả 2 quen nhau, lúc ấy anh đã vui mừng mà hét lên anh còn nhớ? Tình yêu ta là chở nhau đi học về trên chiếc xe đạp ì ạch, ăn vỉa hè, nhiều lúc anh ngại ngại muốn nắm tay em nhưng em lại đỏ mặt rút tay lại, tình yêu lúc đấy chỉ như vậy, vì thời gian học đều kín nên thời gian đâu mà đi chơi. Đứa nào cũng bảo em may mắn vì có anh!
Ngày có kết quả đỗ ĐH, anh mừng quá đánh liều ôm rồi hôn nhẹ môi em, “anh cướp lần đầu hôn của em rồi”. Thế là em không còn học chung cấp 3 với anh nữa, nhưng cuối tuần nào cũng qua nhà chỉ bài em, vì em không có tiền học thêm nhiều môn. Thế là năm sau em cũng đỗ cùng trường ĐH với anh, anh lại lần thứ hai hôn môi em “em giỏi lắm. Anh yêu em”.
Thế là chúng ta cùng đi dạy thêm, nhà anh khá giả mà vẫn đòi đi dạy chung với em để chở em về, anh chỉ an tâm khi chính anh là người đưa đón em. Bên anh em cảm thấy bình yên lắm. Cãi nhau um sùm, em đang nóng nên anh đều nhường em “chúng ta nói chuyện sau”. Có lần đang chở em về, trời tối, xe đạp hư, chân em bị trật đi rất đau, thế là anh 1 tay cõng em, 1 tay dắt xe đạp suốt hơn 1 tiếng.
(…)
Rồi em mổ nhập viện, nhiều lúc nửa đêm em chợt thức thì thấy anh đang ngồi ngủ gục vào giường bệnh, tay còn cầm tập học, mới mổ xong em ăn gì cũng nôn ra hết, nôn cả vào người anh, nhưng anh không nói gì mà ôm em “mau hết bệnh đi”, rồi còn giặt cả quần dính dâu của em nữa “Mắc cỡ gì. Sau này anh cũng phải giặt quần khi em sinh con của chúng ta thôi”. Tiền anh dành dụm đi gia sư anh trả 2 phần tiền viện phí cho em vì mẹ em không đủ khả năng, khi khỏe em đòi trả tiền lại thì anh giận em, bảo là sao em tính toán với anh.
Ngày kỷ niệm thì 2 đứa chở dọc các con phố, quán vặt nào cũng có mặt 2 đứa, rồi 2 đứa tặng nhau giày, túi đeo hoặc áo thun. Em chỉ cần nhiêu đấy, vì em sợ ng ta nói em quen anh vì tiền.
Em nhớ rất rõ ngày em về ra mắt gia đình anh thì mẹ anh phản đối “lại con bé này à? Lúc trước tao đồng ý cho bây quen nhau vì tao nghĩ mày chỉ quen qua đường bé này thời đi học thôi. Nhưng giờ nếu mày lấy bé này làm vợ thì tao từ mày”. Lý do sao chắc mọi người cũng hiểu. Nhưng không ngờ anh kéo em cùng quỳ xuống cầu xin trước mặt mẹ anh, anh bảo suốt cuộc đời này chỉ yêu mình em, chỉ cưới em làm vợ. Nghe những lời anh nói với mẹ lúc đấy em hạnh phúc lắm anh biết không?
Chờ ổn định rồi mới cưới, nhưng tình học trò 10 cặp chưa đến 1 cặp hạnh phúc đến cuối đời
Rồi anh và em cùng ra trường, tháng lương đầu anh mua tặng em cây son, đấy là cây son đầu tiên em xài đấy, anh nói anh muốn công chúa của anh phải thật xinh, chứ con gái không biết xài son sao được. 4 năm anh và em cùng đi làm lương khá cao, khó khăn, cám dỗ, 2 đứa vẫn vượt qua và luôn nghĩ về nhau. Có vài lần cãi nhau không hợp tưởng chừng chia tay, nhưng ta nhận ra ta không thể sống thiếu nhau. 4 năm đi làm 2 đứa tích góp dự định mua nhà chung cư khi cưới, dù ngoài mặt mẹ anh cho anh cưới em nhưng trong bụng bà vẫn chưa hoàn toàn đồng ý, dù nhà anh khả giả nhưng em muốn nhà do tiền của 2 đứa.
(…)
Anh hối cưới, nhưng anh ơi, nhà mình chưa đủ tiền mua, cuộc sống chưa ổn định thì làm sao có thể cưới được? Anh chờ em chỉ 1 năm nữa được không? Anh nói anh sẽ chờ bao lâu cũng được. Nhưng anh nói dối. Giấc mộng của em giờ đã tan nát vỡ vụn khi lòng anh thay đổi. Anh yêu người con gái khác!
Anh bắt đầu lạnh nhạt dần với em, cáu gắt và bắt lỗi em, hay so sánh em với người ấy. Linh cảm không lành, thế là em theo dõi, vô tình đọc được những tin nhắn của anh với cô ấy. Thì ra anh yêu cô ấy được 2 tháng rồi. Sao anh lại giấu em? Sao anh nói với cô ấy anh chưa có người yêu? Sao anh lại tỏ tình cô ấy? Em sai chỗ nào? Anh nói em nghe 1 lý do hợp lý đi! Em không hiểu! Thấy em đang cầm điện thoại anh, anh giựt lại và chửi em – điều anh chưa từng với em bây giờ.
Đêm đấy em không ngủ được mà đã khóc hết nước mắt, rồi 3h sáng điện thoại reo tin nhắn của anh. “Mình chia tay nhé em, anh muốn giải thoát cho cả 2 vì anh thấy khoảng cách đôi ta ngày càng lớn không thể cứu vãn được”. Em không trả lời.
Sáng hôm sau em hẹn anh quán cafe quen thuộc – nơi em lần đầu chủ động nhón chân lên định hôn môi anh nhưng anh lại quay mặt chỗ khác làm em hôn hụt vào má anh – để nói chuyện rõ ràng. Anh thốt lên lời chia tay rất nhẹ nhàng, từ tốn nhưng từng lời, từng lời anh nói chẳng khác nào đâm sâu vào tim em. Anh nói anh xin lỗi, anh đang yêu 1 cô giáo dạy Hóa, cô ấy cho anh cảm giác của 1 gia đình thực sự chứ không phải như em. Bên em lúc đầu là cảm giác lạ dần dần thành quen. Anh nói cô ấy mới cho anh cảm giác của 1 người vợ, còn em chỉ cho anh cảm giác của 1 người yêu. Anh kể về cô ấy bằng ánh mắt trìu mến – ánh mắt đã từng là của em. Ừ thì chia tay thì chia tay! Chúng ta đã chia tay như vậy đấy, em không níu kéo, không khóc lóc trước mặt anh.
Nhưng về đêm em khóc nhiều lắm anh à, hàng trăm tấm hình đồ ăn, hình của chúng ta cùng nhau nấu nướng, hàng trăm tin nhắn khiến em cười tủm tỉm hằng ngày mà giờ chúng khiến em muốn phát điên. Ừ, bây giờ em tin lời mẹ nói lúc trước rồi: “Tình yêu học trò 10 cặp chưa đến 1 cặp hạnh phúc đến cuối đời”, tiền 2 đứa cùng nhau dành dụm mua 1 tổ ấm nhỏ, tên đứa con chúng ta đã đặt, chúng ta cùng quỳ xuống trước mặt mẹ để khẳng định sự nghiêm túc cho tương lai. Những điều chắc nịch ấy anh đã xé nát. Phải mất cả mấy tháng em dần thôi khóc đêm, nhưng em vẫn còn yêu anh như thuở ta còn nhau. Em nghỉ phép du lịch cùng gia đình, tụ họp cafe bạn bè. Và em không bao giờ đặt chân tới quán cafe xưa vì em rất rất sợ!
Hơn 1 năm chia tay, anh gửi thiệp cưới. À anh còn nhớ, lúc trước em hẹn 1 năm nữa sẽ cưới anh đó, nhưng giờ cô dâu không phải là em. Tất cả đều quá nhanh em không kịp nhận ra. Ngày nhận thiệp cưới em lại khóc. Chủ nhật 19/3, đám cưới cô dâu chú rể thật đẹp, em cũng phải thật xinh xắn đi dự chứ. Trong tiệc em tỏ ra vui vẻ chúc mừng nhưng anh à, trong khi anh có đêm tân hôn bên người vợ thì em lại khóc.
– Anh đây!
– Anh biết không, em thích nghe “anh đây” từ anh nói lắm. Có cảm giác bình yên sao sao á!
– Anh ơi!
– Anh đây!
– Sao anh biết em thích xương rồng mà tặng vậy?
– Vì anh muốn em dù gặp chuyện gì cũng phải mạnh mẽ vượt qua.
Môn Hóa đã giúp ta đến với nhau. Và vợ anh dạy môn Hóa đấy!
Cảm ơn anh vì đã là 9 – 10 năm tình yêu của em. Hiện tại có người theo đuổi em, nhưng em sợ, em sợ yêu rồi lại đau như anh đã từng đến và đi khỏi cuộc đời em.
27 tuổi, em không dám nghĩ đến việc lập gia đình”.
Nguồn: #NEU confession

Đừng để bề ngoài thiên thần của một đứa con gái làm mờ mắt

Lưu ý: ngôn ngữ nhạy cảm từ người viết, đề nghị 16+
------------------------------------------------------------------
Tao có con người yêu thế này: 
Lúc lần đầu gặp mặt nó thì ôi thôi nhìn cứ như thiên thần hạ cánh, Vội vàng theo xin số. cứ thầm nghĩ sao mình hạnh phúc vê nờ. Con bồ vừa xinh vừa giỏi , được thêm cái tính HIỀN
Thế mà, đời đéo ai ngờ được chữ ngờ. Mình cũng không biết do nó thay đổi tính nết hay là do mình chiều nó quá mà bây giờ nó như một con quỷ mang tính cách của một con sư tử cái chưa được thuần chủng. 

Nói ngắn gọn là như thế này: 
- Nó nhờ đi mua tí đồ cho nó ( tầm 5,6 chục). Về nhà nó hỏi bao nhiêu. Mình giả bộ giỡn giỡn kêu 5 xị. Nó chửi y như mình ăn hết của ông nội ông ngoại nó. Và bh mình đéo còn được giữ tiền nữa......
- Giặt đồ cho nó,( mệt chết mẹ ra) mà nó thấy ít bọt xà bông, nó cứ lảm nhảm mình giặt dơ, mình chỉ biện minh 1 câu :" tại nó ít nước mà em" thì xác định :" thôi mày khỏi giặt nữa đi" và bonus thêm 1 thau nước xà bông từ trên đầu xuống, à và còn thêm 1 tuần k nói chuyện. Xin lỗi gãy lưỡi, và dọng vào họng nó vài tấn đồ ăn mới lành ( còn nhẹ chán)
- Bóc trái quýt mà k tước mấy cái xơ trên đó, đưa cho nó ăn thì xác định nhận ngay 1 miếng quýt vào mặt ( vào mặt nhé, không phải vào mồm đâu) 
- Cầm điện thoại coi đá banh 1 chút, k để ý tới nó, đéo biết nó hết thuốc dại hay sao mà cầm thẳng cái đt ném cái rầm xuống đất. Mình thì đơ ra :"đm động đất rớt đt tao à?" Và còn phần hay hơn là qua ngày hôm sau nó hỏi :" ủa sao điện thoại anh bị trây màn hình nhiều v?" 
- Nhiều khi nó giận vô cớ, mình tức quá giận lại bỏ đi, và lần đầu tiên trong đời được nó xin lỗi, mừng vê lờ ra, nhưng vẫn giả bộ lạnh lùng bỏ đi, nó túm chân lại, thế là té đập vào người nó, nó điên lên đánh mình gần nhập viện. Rồi từ đó đéo dám giận nó...
- Có lần thấy nó mọc mụn cám nhiều, thương quá nên đè mặt nó ra nặn, thế mà lỡ tay ấn mạnh quá, nó đau nó tát 1 phát muốn đi hàm tiền đạo. Thế là giờ thấy nó có mụn chỉ dám nói :" e nặn mụn đi kìa"
- Nó tới tháng, con gái mà, đau nhức khó chịu, mình cũng thấy tội, hỏi han đủ kiểu
+:"e ăn gì không".
+:" đéo"
+:" em cần mua gì không"
+:" đéo"
đấy, nó cứ vậy, mình tức quá mới nói :" ê nói chuyện đàng hoàng nha" nó điên lên nhắn lại đúng một tin :" m đéo có đái ra máu thì đừng có ồn ào với tao" thế là mình rợn gáy, lập tức mua đồ ăn qa đứng trước nhà nó"
- Nó đang nấu ăn, mình ngồi lướt fb, nó quay qua cầm con dao chỉ thẳng mặt :" giờ mày có rửa chén ăn cơm không hay đợi tao rửa" . Thua...
- Đi phượt Đà Lạt, nó giận, mình giận lại, 2 đứa cãi nhau to tiếng . Đang chạy nó kêu dừng lại :"đưa tao chở" . Nó leo lên chiếc ex, rịn ga tới 50 là mình hơi tái rồi, một hồi lên 80,90 là mình cầu xin nó :"tha mạng cho a đi e, a con trưởng, còn cha mẹ và em gái nữa"
- Thêm một vụ cái xe nữa, mình để nó lái, tới đoạn đường đang sửa chữa, mọi người đều dồn về phía bên kia đường đi, nó kêu nó k thích đi giống người ta, đông đúc chen mệt. Thế là nguyên con đường có 1m nó chạy vào phần đường đang sửa, gạch đá , sình lầy, hầm voi hố voi đầy đó. Mình hết hồn la làng lên . Nó quíu quá, kêu mình im đi, và phóng xe tầm 110km/h BAY qua luôn cái hố voi. Mình nhấn mạnh là BAY nhé. Nó cầm chiếc Ex của mình BAY qua hố... BAY... đm là BAY đó... 
- Nhiều khì nó hỏi :" anh ơi e có giống bất kì người con gái nào a từng gặp chưa" thì câu trả lời là :"đéo bao giờ có 1 con thứ 2 như e đâu e ah"
- Tóm lại là khuyên mấy bạn nam ĐỪNG ĐỂ BỀ NGOÀI THIÊN THẦN CỦA MỘT ĐỨA CON GÁI LÀM MỜ MẮT .Tụi nó toàn là quỷ , chưa hiện nguyên hình thôi. 
Con người yêu mình như đàn ông, đánh phát nào đau phát đó, và nó có cái tính dở hơi nhất trên thế gian này. Nhiều khi muốn dừng lại nhưng sợ nó tìm tới và giết mình nên mình lại thôi, ráng nhường nhịn nó để bảo toàn mạng sống... và giờ thì mình cũng qen dần và dùng tình cảm thật sự để cảm hoá nó. Chứ để nó xổng ra đường thì thiên hạ chém nó chết chứ đéo đùa. 😰😰
Nguồn: Tiến Anh

Bị gọi là ‘thằng đóng giày’, Tổng thống Lincoln đáp trả ra sao?

Là vị Tổng thống thứ 16, Abraham Lincoln đã đi vào lịch sử nước Mỹ không chỉ vì tài năng chính trị mà còn bởi nhân cách cao thượng hiếm có. Câu chuyện nổi tiếng của ông dưới đây cho người ta nhiều dư vị.
Lincoln là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở biên giới nước Mỹ. Mẹ mất sớm, từ nhỏ Lincoln đã phải lao động chân tay rất vất vả, làm thuê, khuân vác trong nông trại. Xuất thân có phần thấp hèn, lại không có được sự nghiệp chính trị ấn tượng tuy nhiên năm 1860 ông bất ngờ đắc cử Tổng thống nhờ chính sách ôn hoà, yêu hoà bình của mình.
Tất nhiên, việc Lincoln lên đứng đầu Nhà Trắng đã vấp phải những chỉ trích dữ dội. Các đối thủ thường buông lời dè bỉu và gọi ông là “gã nông dân”. Trong một cuốn tự truyện, Lincoln cũng tự miêu tả thời trai trẻ của bản thân mình như là “một gã trai kỳ dị, không bạn bè, không học thức, không một xu dính túi”.
Các nghị sĩ Mỹ khi ấy đều xuất thân từ danh gia vọng tộc, thuộc giới tinh hoa, thượng lưu trong xã hội. Việc một anh đóng giày như Lincoln đột nhiên ngồi chễm chệ trên chiếc ghế quyền lực cao nhất khiến họ không cam lòng.
Tổng thống Lincoln đọc diễn văn. Ảnh theo infonet.vn
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Lincoln đã phải đối diện với thử thách. Trong khi ông đang đọc diễn văn nhậm chức, một nghị sĩ đứng dậy ngắt lời: “Thưa ngài, xin hãy nhớ rằng cha ngài đã từng đóng giày cho cả nhà tôi”. Tất cả cười ồ lên sảng khoái.
Thế nhưng Lincoln vẫn bình tĩnh, ngừng bài diễn văn của mình và tự tin đáp trả: “Tôi biết cha mình đã từng đóng giày cho cả gia đình ngài cũng như nhiều nghị sĩ khác. Bởi lẽ không người thợ nào có thể làm tốt như ông. Xin hỏi đã có ai trong các ngài phàn nàn về những đôi giày mà cha tôi đóng hay chưa? Chính tôi cũng biết đóng giày, nếu muốn tôi cũng có thể đóng cho các ngài một đôi. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng vô cùng tự hào về người cha của mình, một người thợ giày xuất sắc”.
Các nghị sĩ nghe xong đều im bặt. Họ thực sự cảm thấy một dư vị nào đó. Họ đã công kích Lincoln bằng những thứ lời lẽ dè bỉu cay nghiệt nhất. Nhưng đáp lại thái độ ấy là gì? Là một sự bao dung to lớn, sự điềm tĩnh vĩ đại của một người quân tử.
Sau đó, có người khuyên Lincoln trả đũa tay nghị sĩ nọ. Nhưng ông mau chóng gạt đi và nói: “Khi tất cả chúng ta trở thành bằng hữu thì sẽ không còn bất cứ kẻ thù nào”. Phải là người có tấm lòng bao dung, rộng lượng như thế nào mới có thể “lấy đức báo oán” như vậy?

Abraham Lincoln và tướng McClellan. Ảnh: Wikipedia
Vậy bí quyết nào đã giúp Lincoln hành xử cao thượng được như thế?
Tất cả có lẽ nằm ở chữ “Nhẫn”. Có thể nói, lòng nhẫn chịu là một truyền thống của người Á Đông. Từ xưa, đã có rất nhiều tấm gương chịu đựng nhẫn nhục làm việc lớn, được hậu thế nghìn đời tán thưởng như Việt Vương Câu Tiễn hay Hàn Tín.
Nhẫn không phải là lùi bước, yếu hèn, nhu nhược mà là một loại cảnh giới, là đặt mình cao hơn đối phương, và bao dung họ.
Nội hàm của chữ “Nhẫn” (忍) là rất sâu sắc, ở trên là bộ “Đao” (刀), ở dưới là chữ “Tâm” (心). Nhìn từ cấu trúc con chữ thì có thể hiểu ra ý tứ là: Người biết nhẫn nhịn chính là có thể chịu được nỗi đau như là dùng dao mà đâm vào tim vậy. Tổn thương như thế đúng là quá sức chịu đựng của người thường. Dù bị kiếm đâm, dao cắt nhưng chữ “Tâm” kia vẫn vững vàng như bàn thạch, vẫn bất động.
Người biết nhẫn chịu thường là người có thể đạt được thành tựu. Việt Vương Câu Tiễn nếm mật, nằm gai suốt 10 năm, chịu bao tủi nhục trong tay kẻ thù cuối cùng cũng đánh bại được Ngô Vương Phù Sai, rửa được mối thù. Hàn Tín chịu nhục chui háng kẻ vô lại sau này trở thành rường cột quốc gia, khai quốc công thần nhà Hán, danh thơm muôn thuở.

Tạo hình Hàn Tín trên điện ảnh. Ảnh: weibo
Nhẫn là một loại tu dưỡng tinh thần, là một cảnh giới của bậc quân tử. Thất phu chịu nhục thì tuốt kiếm tương đấu. Còn người quân tử coi chịu nhục là cơ hội để tu rèn tâm tính.
Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi nhẫn được việc nhỏ, người ta mới có được tĩnh khí, sự điềm tĩnh. Một khi có được tĩnh khí thì mới có thể thanh tỉnh đầu óc, tĩnh tĩnh mà nhìn nhận vạn sự xảy ra trong đời, từ đó thấu được quy luật của vũ trụ.
Tổng thống Lincoln nếu không có được sự khoan dung, lòng nhẫn chịu lớn như trong câu chuyện kể trên hẳn đã không thể làm nên những kỳ tích vẻ vang sau này. Chính lòng bao dung là xuất phát điểm để Lincoln theo đuổi sự nghiệp giải phóng nô lệ suốt đời bất chấp sự phản đối gay gắt, bất chấp phải tiến hành cả một cuộc chiến tranh. Lincoln, anh thợ đóng giày quê mùa đã bước ra sân khấu chính trường Mỹ quốc bằng thứ vũ khí như thế đó! Tuy vậy, muốn có được tĩnh khí và khả năng nhẫn chịu không phải chỉ nói ra bằng vài lời suông là được. Đó là cả một quá trình tu luyện gian khó, khổ cực. Tâm tính người ta phải liên tục được đề cao giữa những mâu thuẫn gay gắt tưởng như không thể điều hoà. Khi đứng trước sự nhục mạ, công kích, nếu không thể giữ được sự điềm nhiên, hoặc chỉ giả vờ điềm tĩnh bề ngoài thì đều không đạt đến tiêu chuẩn “Nhẫn”.
Hữu Bằng
Nguồn: daikynguyenvn
 
VỀ MENU
Copyright © 2014 Trà Sữa Cafe. Designed by OddThemes