Người mà anh giết là nhân tình của vợ. Trong hoàn cảnh hai vợ chồng xa nhau đằng đẵng, chị vợ ngoại tình tằng tịu với một anh công nhân gần nhà. Một đêm, anh chồng đột nhiên trở về bắt gặp. Chị bị chồng “tóm sống” trong tình trạng lõa lồ, lại bị bao nhiêu người hiếu kỳ xung quanh đến, xúm đông xúm đỏ ồn ào chứng kiến.
Anh chồng lao vào đánh nhân tình của vợ, rồi gọi cả họ hàng bên ngoại xuống nhà ngay trong đêm để cùng chứng kiến. Gần sáng thì gã nhân tình ấy vì bị anh đánh đã chết trong bệnh viện.
Sau cái đêm kinh hoàng ấy, anh đi tù, chị vợ ở nhà, 2 lần bế con lên trại tìm gặp anh mà anh không gặp. Mẹ anh và gia đình bên nội vẫn động viên tha thứ, mà anh thì không thể nguôi ngoai. Chị vợ ngậm ngùi viết cho chồng đến 50 lá thư, lá thư nào cũng chỉ nhận lỗi với anh về những sai lầm. Chị bảo “chị không dám mong anh tha thứ, nhưng mong anh hãy cải tạo cho tốt, để hưởng sự khoan hồng”.
Nhưng rồi, anh chồng không hề bóc ra xem, dù chỉ một lần, bất kỳ lá thư nào trong 50 lá thư liền nhau ấy. Anh chỉ xếp thư dưới gối, chỏng chơ như một sự “biết rồi”. Cuối cùng, được sự động viên của giám thị trại giam, anh đã gửi thư cho chị vợ, vỏn vẹn đôi ba dòng, đại ý: “Việc đã qua thì qua đi rồi, em cố gắng nuôi con cho tốt”. Đến lúc trả lời thư vợ ấy, anh vẫn chỉ nói rằng anh không biết có tha thứ cho vợ được hay không…
Cô bạn làm cùng tôi, cùng đọc câu chuyện này thì cứ thắc thỏm cầu mong, cho một ngày anh chồng ấy tha thứ cho chị vợ và gia đình đoàn tụ. Tôi ngạc nhiên hỏi cô, trong chuyện này, ai mới là người cần tha thứ cho ai? Cô nhìn tôi bằng cái nhìn lạ lẫm, khẳng định chắc chắn:
“- Anh chồng tha thứ cho người vợ chứ sao?!”
“- Sao không phải là điều ngược lại?”
“- Cậu sao vậy? Một người không ngoại tình lại đáng được một người đi ngoại tình tha thứ?”
Hãy nhìn thật sâu vào câu chuyện này xem. Gạt bỏ định kiến ra ngoài tâm trí, ta có thấy rằng người đàn bà ấy mới chính là người đã phải chịu những điều đau đớn biết bao nhiêu? Đã bị xã hội, và người chồng với cái thế của kẻ “bề trên”, của “người không phạm tội” hạ nhục đến thế nào? Chị xa chồng, với đứa con gái chưa đầy 3 tuổi, và chị lén lút quan hệ với người đàn ông khác.
Đàn bà có chồng mà cũng như không, bao nỗi nhớ, bao niềm ham mê, cái phần “bản năng” phải kìm xuống để úp cái mặt nạ công dung ngôn hạnh vào gắng sống theo quy chuẩn của thiên hạ với nỗi cô đơn trống hoác mỗi đêm. Ai hiểu? Có lẽ những kẻ “bề trên” kia cũng hiểu đấy, nhưng họ lấp đi cái cảm thông, cái thấu hiểu ấy để úp cái mặt nạ đạo đức để đứng về phía lẽ phải, về chân lý, “về chuẩn mực của một người đàn bà có chồng” để răn dạy những kẻ trót làm sai, những kẻ ấy rất và luôn thích phán xét người khác và…họ không bao giờ phán xét bản thân mình hay đặt mình vào trong trường hợp ấy…
Chuyện đàn ông ngoại tình thì họ (dư luận) bảo “đàn ông thằng nào chả thế?”, nếu như đàn ông đi chơi gái thì họ cũng lại bênh vực thay “giải quyết nhu cầu sinh lý ấy mà…”. Nhu cầu sinh lý ở đàn ông lẫn đàn bà là như nhau, nhưng khi người đàn ông “được phép” trăng hoa và ít phải chịu điều tiếng xã hội, kể cả họ có ngoại tình, kể cả khi vợ họ có bắt được, có đánh đập nhân tình, có bỏ họ đi chăng nữa thì họ vẫn lấy vợ tốt, chả có vấn đề gì cả!
Còn với đàn bà, là miệng đời cay nghiệt, là sự không tha thứ ở người chồng, là nỗi đau khi cuộc đời trót “nhúng chàm”, và cả nỗi cô đơn vẫn còn nguyên đó, trống hoác, rạn vỡ…
Sao đàn bà lại chịu nhiều đau đớn, thiệt thòi đến vậy? “Không tha thứ” cho nhau ư? Không tha thứ thì thôi, mỗi người một con đường mà giải phóng cho cuộc đời nhau, làm sao mà phải chờ người này người kia tha thứ cho bản thân mình hả đàn bà? Sinh ra làm đàn bà đã khổ lắm rồi, giờ lại còn phải chờ đến những kẻ “bề trên” tha thứ bao dung cho lỗi lầm của mình nữa sao? Mà lỗi lầm ấy, căn nguyên vì đâu? Vì đàn bà sướng quá, được chồng yêu quá mà phải ngoại tình ư? Hay là người đàn bà ấy dám sống bản năng và không coi trọng chuẩn mực đạo đức cuộc sống ư?
Anh giết người anh có mong oan hồn dưới suối vàng kia tha thứ cho anh không? Hay anh vẫn nghĩ mình đại diện cho lẽ phải? Có kẻ chứng kiến bi kịch còn ác tâm bảo “chết là phải?” giết người mà là “phải” là đúng ư? Lý lẽ gì vậy? Nếu người đàn ông bị đoạt mạng kia là chồng của chị, là người thân của chị thì chị sẽ ra sao? Chị có còn cho rằng “chết là phải” hay không? Con người ta dường như rất giỏi trong việc bao biện những hành vi sai trái của bản thân và đổ lỗi cho khách quan mà ít khi dám nhìn nhận lại những cái xấu xí, thậm chí dơ bẩn trong lòng mình mà họ đã ngụy tạo khéo léo bằng mớ luân thường đạo lý.
Chuyện phản bội thì đã qua, chuyện tha thứ hay không cũng chẳng đáng để bàn. Bởi vì, người đàn bà ấy đã đau quá đủ rồi, đã trả giá quá đủ rồi. Cứ nên tự giải phóng cho đời mình đi, tự tha thứ cho đời mình đi, không cần phải mang cái ám ảnh tội lỗi ấy hết cuộc đời còn lại làm gì. À! Sẽ có người (dư luận) lại nhảy dựng lên “cái thứ đàn bà lăng loàn mà lại còn đáng được tha thứ hay sao? Suy nghĩ cổ xúy cho băng hoại đạo đức hay sao?”. Có nên vì dư luận nói thế mà đàn bà phải sợ không? Phải sống theo con đường mà cái đám lố nhố định kiến kia chỉ dạy trong khi chính bản thân họ chưa bao giờ hoàn mỹ, tốt đẹp không?
Không! Cuộc đời là của mình, vận mệnh là của mình, nỗi đau cũng là của mình, bi kịch hay không bi kịch là do mình, tha thứ để về với nhau làm gì? Còn có thể đầu gối tay ấp mặn nồng nữa ư? Hãy cứ đi con đường mình muốn, mang theo những nỗi đau và bài học quá đắt ấy để sống mạnh mẽ, kiên cường hơn, chẳng cần phải chờ ai tha thứ bởi bạn đã dằn vặt và phát xét mình quá đủ rồi, đàn bà ạ!
Diệu Quỳnh
(Theo Congluan)
Đăng nhận xét