Chúng ta đang bào mòn sự sáng tạo/ trí tưởng tượng của trẻ như thế nào? Việc vẽ/học vẽ của trẻ nhỏ. - Trà Sữa Cafe
TIN MỚI NHẤT

Chúng ta đang bào mòn sự sáng tạo/ trí tưởng tượng của trẻ như thế nào? Việc vẽ/học vẽ của trẻ nhỏ.

Trung thu vừa rồi, tôi có dịp tham dự các cuộc “đấu giá” tranh của học sinh một số trường mầm non, tiểu học nhằm gây quỹ từ thiện, mải mê ngắm nghía các bức tranh được gọi là của học sinh vẽ, bệnh nghề lại trỗi dậy, muốn nói một điều gì đó để khẩn khoản xin các cô đừng bắt các con học vẽ như thế nữa.
sự sáng tạo của học sinh trung học Steiner
Sự sáng tạo của học sinh trung học Steiner
Quan sát rất nhiều trẻ em học vẽ và trải nghiệm việc học vẽ cùng hai đứa con, tôi thấy trẻ mầm non và tiểu học, hầu như ở đâu cũng vậy, dù quan sát trong hiệu sách với đủ các loại sách tập tô tập vẽ, hay quan sát trong trường học, giờ học vẽ với cô giáo mầm non, cô giáo tiểu học hay học vẽ với các họa sỹ được mời đến trường, trẻ đều được học theo cách thức khá giống nhau. Cụ thể là: từ 2-3 tuổi trẻ tập cầm bút nối liền nét, tô màu theo hình, có hoặc không có mẫu đã tô kèm theo. Từ 4-5 tuổi trẻ bắt đầu vẽ theo các mẫu của cô, với sự nắn nót chỉnh sửa của thầy cô. Nếu trẻ được sử dụng màu, mà các bức tranh màu này, đặc biệt là màu arcylic, hay được dùng để trưng bày như tác phẩm của con, thì thường là cô vẽ trước 80% bức tranh, các con điểm một vài nét và tô màu cho bức tranh theo sự chỉ đạo của giáo viên. Vào tiểu học, một chu trình mới lại lặp lại, không cần phải xoáy trôn ốc, có khác chăng là các hình cần tô phức tạp hơn chút, các mẫu cần vẽ theo nhiều chi tiết hơn một chút.
Việc làm mẫu, đóng khung sự quan sát, trí tưởng tượng của trẻ theo con mắt quan sát của người lớn; việc chăm chú vào các kỹ thuật hội họa quá sớm làm giảm hoặc làm hỏng ích lợi của việc vẽ đối với sự phát triển của trẻ.
Kỹ thuật hội họa của một học sinh lớp 10, một trường Steiner Nhật Bản
Kỹ thuật hội họa của một học sinh lớp 10, một trường Steiner Nhật Bản
Giai đoạn đầu đời của trẻ, trí óc chỉ toàn là tưởng tượng, trẻ luôn có nhu cầu vẽ và cần được vẽ để biểu đạt trí tưởng tượng của mình. Người nghệ sỹ khi tâm hồn tràn ngập cảm xúc, một cách tự nhiên anh ta sẽ biểu lộ và giải phóng mình qua những bức tranh, bản nhạc, điệu múa. Trẻ em nào cũng là nghệ sỹ với đầy ắp hình ảnh bên trong mình, trẻ có một thôi thúc tự nhiên là vẽ. Bởi thế, không có đứa trẻ nào không thích vẽ, nếu chưa bị người lớn làm cho sợ hãi và đóng khung.
Những hình ảnh bên trong mà trẻ “nhìn” thấy, là những trải nghiệm sống động và là trải nghiệm thực của trẻ, tức là trẻ sống với hình ảnh đó thực như việc trẻ cầm một cái cốc uống nước; không phải theo cách người lớn nhắm mắt và tưởng tượng ra những hình ảnh mà người lớn biết là không có thực. Do sự khác biệt này, cách biểu đạt qua tranh vẽ của trẻ (nếu trẻ hoàn toàn chưa được dạy dỗ các kỹ thuật và đóng khung trí tưởng tượng) khiến hầu hết chúng ta không thể hiểu nổi, hoặc hiểu sai. Có lẽ tác giả của Hoàng Tử Bé, Saint Exupery đã rất tinh tế cho chúng ta thấy chúng ta đã luôn ngộ nhận về trẻ em, về cách chúng ta nhìn và đánh giá một bức tranh của trẻ. Người lớn luôn chỉ nhìn thấy một cái mũ, khi trẻ muốn biểu đạt một con rắn đã nuốt voi.
Tôi đã từng tham dự những khóa tập huấn giáo viên tại một số nước của một nền giáo dục tuy đã phát triển suốt 100 năm nay trên khắp thế giới nhưng còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, nền giáo dục Steiner; chưa nói tới cách họ dạy trẻ vẽ như thế nào, cách họ trân trọng bức tranh của trẻ và chăm chú quan sát từng bức tranh trẻ vẽ ra mỗi ngày để thấu hiểu trẻ, có lẽ đối với tôi đó là một nghiệp vụ sư phạm khó nhất từng tiếp cận, từng được ngồi học và tự biết là còn lâu lắm mình mới có đủ “trình độ”, đủ có một con mắt ngây thơ, một trái tim ăm ắp yêu thương và một cái đầu rất mở để hiểu trẻ qua những bức tranh còn chưa bị đóng khung.
Tranh vẽ màu nước của học sinh mầm non Steiner
Tranh vẽ màu nước của học sinh mầm non Steiner
Chúng ta nên bình tâm để cảm nhận và chấp nhận rằng việc vẽ/học vẽ của trẻ nhỏ có mục đích hoàn toàn khác với người lớn. Người lớn học vẽ là để nắm bắt kỹ thuật xử lý hình khối và màu sắc, rồi sau đó dựa trên kỹ thuật tốt mới tiếp tục bàn chuyện trí tưởng tượng ra sao mà thành họa sỹ hay thợ vẽ. Quy trình trải nghiệm với hội họa của trẻ là ngược lại, vẽ là để nuôi nấng trí tưởng tượng trước tiên, trong giai đoạn tốt nhất, sau đó khi đã đủ lớn, chúng sẽ dần tiếp cận với các kỹ thuật hội họa.
Trong nền giáo dục Steiner, trẻ được trải nghiệm màu sắc ngay giai đoạn đầu cầm cọ ở bậc mầm non, và luôn là màu nước để những cảm nhận về màu tinh tế nhất, để tự mình ồ à khi thấy sự hòa quyện của màu kì diệu và biến ảo, để điều hòa tâm lý khi trẻ đang trong giai đoạn đầy ăm ắp các hình ảnh bên trong.
Việc vẽ cứ nhẹ nhàng như thế, tự do như thế. Hết những năm đầu đời với những bức tranh chỉ toàn là màu sắc, chưa có hình khối; vào tiểu học trẻ bắt đầu tiếp cận với khối. Các khối được tạo ra cũng luôn là do màu, không bởi do giới hạn của đường nét. Và đặc biệt, tranh vẽ của trẻ là do trẻ quan sát, do trẻ tưởng tượng theo những câu chuyện nghe kể, tuyệt đối không có sự làm mẫu, dù là thầy cô làm mẫu hay mẫu từ các sách tranh, phim ảnh minh họa.
Lời bàn: có lẽ khi trồng cây không có thuốc kích lớn, quả sẽ chậm hơn một chút, nhưng bao giờ cũng ngọt hơn, thơm đậm đà hơn một chút. Đành rằng nhiều người sẽ bảo, nhu cầu lương thực tăng cao, xã hội không đủ kiên nhẫn đợi cây lớn không cần thuốc, thì thôi cũng đành ăn thức ăn chứa thuốc kích lớn. Nhưng kích cả sự phát triển sớm của con em chúng ta. Để làm gì?
Nguồn: halkioncenter.org

Share this:

Đăng nhận xét

 
VỀ MENU
Copyright © 2014 Trà Sữa Cafe. Designed by OddThemes