Anh Đức (26 tuổi-HN) kể lại câu chuyện cách đây hai năm khi mới ra trường, anh cùng hai người bạn nữa góp vốn mở quán kinh doanh cà phê sinh viên. Số tiền gần 200 triệu ra đi chính là bài học cho buổi đầu khởi nghiệp. Quán của anh Đức gần đại học Bách Khoa có diện tích 30m2 với tiền thuê 10 triệu/tháng x 6 tháng, chi phí sửa sang, trang trí quán gần 30 triệu, dụng cụ pha chế hết 20 triệu, bàn ghế hết 20 triệu. Tổng chi phí đầu tư ban đầu là 130 triệu, 70 triệu còn lại là chi phí duy trì cho các tháng sau đó. Chỉ sau ba tháng đầu quán của anh Đức đã phải đóng cửa, do kinh doanh “4 vốn 1 lời”, số tiền 70 triệu không đủ chi trả tiền lương nhân viên, nguyên liệu và điện nước hàng tháng.
Kinh nghiệm qua câu chuyện kinh doanh trên là bạn nên tính toán giữa chi phí đầu tư và chi phí duy trì, tiết kiệm một cách tối đa đồng thời trích lập một khoản dự phòng bởi những tháng đầu kinh doanh quán của bạn sẽ chưa có lời. Hãy cẩn thận để đảm bảo chi phí duy trì hoạt động qua giai đoạn khó khăn này.
Anh Vũ (35 tuổi- HN) làm việc cho một công ty của Nhật. Với số vốn nhàn rỗi trong tay, anh mở một quán cà phê, sinh tố phong cách công sở trên đường Triệu Việt Vương. Anh Vũ đầu tư 200 triệu vào cơ sở hạ tầng với diện tích 50m2, 200 triệu dành cho chi phí duy trì. Đồ uống của quán được anh định giá dao động trong mức 30 đến 45 nghìn/ly, theo anh Vũ mức giá này khá phù hợp với đối tượng khách hàng công sở và có thể mang lại lợi nhuận cho quán. Tuy tính toán chi phí rất hợp lý nhưng anh Vũ cũng đã thất bại với số vốn 400 triệu bỏ ra chi sau gần 1 năm kinh doanh.
Rõ ràng anh Vũ đã lựa chọn sai địa điểm để kinh doanh mô hình cà phê công sở, bởi Triệu Việt Vương là con phố với rất nhiều quán cà phê vỉa hè, lâu năm, đồ uống ngon và giá lại rất mềm, nên sẽ khó mà cạnh tranh được. Chưa kể đến đồ uống của quán không có gì khác biệt, nổi bật và người chủ thì hoàn toàn không am hiểu về cà phê.
Chị Linh(27 tuổi- TP HCM) kinh doanh đồ uống với mức đầu tư 300 triệu. Lựa chọn loại hình kinh doanh là nước trái cây tươi nguyên chất, nước ép giảm cân nên quán của chị thu hút khá đông khách hàng là các chị em. Theo tính toán của chị Linh, chi phí nguyên liệu một ngày trong khoảng từ 1,5 đến 2 triệu, cộng tiền lương nhân viên, các khoản chị khác thì một ngày quán của chị bán được chừng 200 cốc với mức giá từ 15 đến 25 nghìn/cốc là khá ổn. Với tính toán như vậy, mặc dù cửa hàng khá đông khách nhưng quán của chị kinh doanh chỉ có lãi ở thời gian đầu.
Nguyên nhân là do chị Linh không định lượng nguyên vật liệu, dẫn đến thất thoát trong khâu pha chế của nhân viên. Việc định lượng nguyên vật liệu cấu thành trong một sản phẩm không những đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giúp người quản lý cân đối lượng nguyên vật liệu trong kho, hạn chế thất thoát, gian lận trong khâu chế biến.
Ba câu chuyện trên là kinh nghiệm thất bại thực tế trong kinh doanh cà phê. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thành công như quy trình bán hàng, đào tạo nhân viên, hoạt động Marketing,… bạn cần xem xét thật kỹ trước khi bắt tay vào kinh doanh lĩnh vực này.
- maybanhang -
Đăng nhận xét