AILIEN: Anh đi thăm mộ Mẹ anh chung với tất cả anh chị em của anh hôm nay à. Chắc là bà cụ sẽ vui lắm
ANH B: Không, chỉ có tui với thằng em út thôi vì hằng tuần em gái tui đều đến quét dọn mộ Bà mỗi thứ Bảy, còn anh tôi thì mỗi tuần đi thăm mộ con trai thì cũng ghé thăm mộ Bà.
AILIEN: À, thằng bé MD PhD (Bác sỹ, Tiến sỹ) mà tự tử hồi xưa đó phải không?
ANH B: Ừ, tôi nghiệp ... Bố Mẹ nó tự hào về nó lắm. Từ nhỏ đến lớn nó ngoan ngoãn lắm. Học đâu đậu đó, phần thưởng khắp nơi . . . vậy mà cuối cùng . . . Tiếc thật.
AILIEN: Vì sao nó tự tử?
ANH B: Vì nó làm nghiên cứu nhưng cuối cùng không đạt kết quả như mong đợi. Không thể hiểu được.
AILIEN: Thật ra chuyện này gặp rất nhiều anh à. Trong tâm lý học gọi trường hợp này là "objectify", tức là cha mẹ nó biến nó thành công cụ của họ.
ANH B: Đâu có, Bố mẹ nó lo cho nó lắm. Bố nó ngồi dạy nó học hằng đêm. Mẹ nó suốt ngày nhắc nhở chăm sóc. Hồi đó họ tự hào về nó lắm, nhưng có điều là ít nói chuyện tâm sự với nó.
AILIEN: Đúng như trong sách rồi. Rõ ràng rồi . . . Ba Mẹ nó biến nó thành công cụ để họ tự hào. Họ ép nó học để thành quả học tập của nó là thứ để họ khoe khoang với người ta.
ANH B: Ừ, hồi đó, Bố Mẹ nó hạnh phúc lắm, đi đâu cũng khoe thằng con, hãnh diện lắm.
AILIEN: Dễ hiểu thôi, từ nhỏ nó cứ bị kỳ vọng kết quả học tập phải cao, rồi mỗi lần nó thấp thì Ba mẹ nó thất vọng, mỗi lần kết quả cao thì họ ca ngợi. Vô tình, tiềm thức của nó hiểu lầm là tình thương của cha mẹ nó dành cho nó dựa trên điều kiện là kết quả học tập của nó, tức là “học giỏi mới được thương” hoặc là “học kết quả cao thì mới được, kết quả học tập thấp thì nó không là gì cả”. Cho nên bây giờ kết quả nghiên cứu không như trông đợi thì nó không có can đảm nhìn mặt bất kỳ ai, chứ không riêng gì cha mẹ nó.
ANH B: Ừ, hồi đó, mỗi lần nói chuyện với nó thì cũng thấy có vẻ là Bố Mẹ nó không có thông cảm hay cố gắng hiểu nó.
AILIEN: Sách tâm lý học nói chuyện này nhiều. Rất nhiều cha mẹ “lợi dụng” con mà họ cứ ngỡ họ lo lắng cho tương lai của con.
ANH B: Ừ, cũng đúng ... Thôi anh đi nhé.
Rất nhiều cha mẹ hồi nhỏ học không giỏi, đến khi đẻ con ra, đứa nhỏ học giỏi, thì vô tình đứa nhỏ thoả mãn cái sự thèm khát học giỏi của họ khi còn bé. Thế là họ chăm chút chuyện học của đứa nhỏ, suốt ngày ép buộc, nhắc nhở con học bài.
Ý thức của họ nghĩ là họ lo cho con để nó phát triển hết tiềm năng của nó, nhưng sự thật là tiềm thức của họ đang thúc đẩy họ chăm sóc cái “công cụ” mang lại sự tự hào và thoả mãn thèm khát được học giỏi trong tuổi thơ của họ mà thôi.
Có những trường hợp, Mẹ không xinh đẹo nhưng lại đẻ ra con gái xinh đẹp, thế là Mẹ suốt ngày chăm sóc sắc đẹp cho con gái tới mức mà ép con ăn diện, sửa soạn . . . Mẹ tưởng là Mẹ thương và lo cho con, nhưng sự thật Mẹ đang chăm chút cho cái “công cụ” làm thoả mãn sự thèm khát được xinh đẹp của Mẹ thôi.
Tương tự, khi con nổi tiếng thì cha mẹ dựa vào đó mà nổi tiếng theo, như trường hợp Bà Mẹ Trung Quốc viết quyển sách “Em phải đến Harvard học Kinh Tế” sau khi con bà được nhận vào Harvard, tức là bà dựa vào con để viết sách và nổi tiếng.
Nói chung là cứ hễ con có cái gì mà hồi nhỏ cha mẹ thèm mà không có thì con trở thành “công cụ” để thoả mãn sự thèm khát của cha mẹ. Điều đó có thể là xinh đẹp, cao lớn, học giỏi, hát hay, múa dẻo, đánh võ giỏi, chơi thể thao giỏi, giàu có, nổi tiếng . . .
Kết quả thường gặp là trong ý thức đứa nhỏ nghĩ là mình được lo lắng và yêu thương, nhưng trong tiềm thức đứa nhỏ bị căng thẳng và cô đơn đến lạ lùng.
Vì sao? vì nó không được làm chính nó, không có tuổi thơ chơi đùa thoải mái mà nó cứ phải luôn luôn cố gắng để giỏi hơn nữa . . .
Lâu ngày, tiềm thức của nó sẽ hình thành niềm tin “Tôi không (học giỏi, đẹp, tốt, giàu, cao, nổi tiếng . . .) đủ” hoặc “Tôi không bao giờ tốt đủ” . . . Điều này tạo ra một khoảng trống khổng lồ . . . Một sự bất an không dứt, một sự thiếu thốn triền miên . . .
Vậy thì, khi lớn lên có người sẽ học cho thật nhiều bằng cấp, làm thật nhiều tiền, cặp thật nhiều người, tranh giành thật nhiều quyền lực … nhưng có bao nhiêu tiền, bằng cấp, tiếng tăm, quyền lực . . . thì cũng không lấp đầy cái khoảng trống và sự thiếu thốn này.
Nhiều trường hợp thì đâm ra nghiện ngập: nghiện thuốc phiện, nghiện làm việc (workaholic), nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ăn cắp vặt . . . trầm cảm, tâm thần, tự ti mặc cảm, và … tự tử là chuyện thường xảy ra.
Nguồn: FB Trần Thị Ái Liên
Đăng nhận xét