Nữ doanh nhân Lê Hồ. Ảnh: Inspiring Rare Birds
|
Hồ là một trong 29 gương mặt từng được vinh danh trong cuốn sách If She Can I Can về thế hệ nữ doanh nhân trẻ tiêu biểu của Australia cuối năm ngoái. Thành công của cô đặc biệt gây ấn tượng bởi xử lý rác vốn lâu nay là lĩnh vực thống trị của đàn ông.
Cửa hàng áo cưới
Hồ bước chân vào con đường kinh doanh năm 20 tuổi, khi mở một tiệm cho thuê áo cưới. Trong vòng 6 năm, việc làm ăn thuận lợi giúp cô sở hữu trong tay 6 cửa hàng. Tuy nhiên, đến năm 2010, công việc kinh doanh áo cưới của Hồ đối mặt với thử thách lớn khi xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi."Tôi muốn tìm một ngành kinh doanh nào đó mà dù nền kinh tế có thay đổi ra sao thì nhu cầu của mọi người vẫn cao", SMH dẫn lời cô nói.
Hồ tìm ra câu trả lời cho mình khi giúp một người bạn giám sát việc kinh doanh ở công ty xử lý rác thải Capital City. Khi đó, doanh nghiệp này đang nằm bên bờ vực phá sản và thua lỗ tới 20.000 AUD (hơn 15.000 USD) mỗi tháng.
Người mẹ trẻ với cậu con trai mới 6 tháng tuổi đã đưa ra một quyết định làm thay đổi cuộc đời cô đó là mua lại Capital City với giá 50.000 AUD. Vừa chăm sóc con vừa vực dậy một doanh nghiệp là thách thức vô cùng lớn với Hồ lúc đó.
"Tôi quyết định đặt niềm tin và mua lại nó. Tôi phải chấp nhận nguy cơ tiếp tục mất tiền nếu thực hiện chiến lược của mình", cô nói.
Hồ mua lại toàn bộ cổ phần của công ty và đảm nhận tất cả vai trò từ kế toán đến bán hàng, thậm chí là lái xe chở rác nhằm cắt giảm chi phí.
Một ngày của cô bắt đầu bằng việc tự lái xe đi thu gom rác, sau đó thay quần áo đến các cuộc họp và tìm kiếm khách hàng mới. Buổi tối là thời gian cô đọc sách và gửi mail.
"Trong 12 tháng đầu, tôi làm việc suốt 18 giờ một ngày. Bố mẹ tôi thực sự nghĩ tôi bị điên. Tôi là người gốc Á và nghề thu gom, xử lý rác ở Việt Nam thường bị xem là nghề thấp kém nhất", Hồ nói.
Thành công không dễ dàng
Hồ đã chọn đúng lĩnh vực bởi theo phân tích của tổ chức nghiên cứu các ngành công nghiệp toàn cầu IBISWorld, tổng giá trị của ngành thu gom rác thải cứng trong năm 2015-2016 là 6,2 tỷ USD và dự kiến đạt mức tăng trưởng thường niên 3,8% trong tương lai.Tuy nhiên, việc dấn thân vào ngành công nghiệp vốn lâu nay dành cho nam giới khiến Hồ phải đối mặt với không ít định kiến và phân biệt đối xử.
"Tôi nhớ lần đầu tiên lái xe tải, tôi không thể với tới pedal. Những người lái xe chở rác đi qua tôi thường nhìn xem đây có thực sự là một phụ nữ không hay chỉ là một gã đàn ông tóc dài", cô kể. "Khi làm chủ một công ty xử lý rác, tôi vẫn còn trẻ tuổi và lại luôn phải làm việc với những người đàn ông 50, 60 tuổi có thâm niên 30-40 năm trong ngành. Mọi người đặt cược liệu tôi sẽ theo đuổi công việc này được bao lâu".
Tuy nhiên, những phản hồi lạnh nhạt đó lại càng khiến cô thêm quyết tâm.
"Đó là động lực giúp tôi leo lên xe tải lúc 6h sáng", cô nói. "Có nhiều người không muốn làm ăn với tôi vì họ nghĩ chắc tôi hôm nay còn ở đây, mai lại đi nơi khác. Tôi nhất định phải chứng minh mình là ai và có khả năng gì".
Nỗ lực của Hồ cuối cùng cũng được đền đáp. Sau một năm đầu, doanh thu của Capital City tăng gấp đôi, đồng thời danh tiếng cũng được khẳng định trong ngành quản lý rác. 5 năm sau, Hồ trở thành nữ doanh nhân được nhắc tên khi Capital City đạt doanh thu 10 triệu AUD (7,6 triệu USD).
Hồ theo bố mẹ sang Australia sau một cuộc hành trình gian nan khi mới 18 ngày tuổi.
"Khi tôi lớn lên, bố mẹ nói rằng tôi phải đi học lấy bằng cấp và tìm một người chồng chăm lo cho mình trong phần đời còn lại. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy những cơ hội mà Australia mang lại cho mình và nhận thấy rằng bất kỳ điều gì mà đàn ông làm được thì tôi cũng có thể làm. Chúng tôi có gia đình, chúng tôi có con và chúng tôi cũng có thể là doanh nhân".
Lời khuyên của Hồ dành cho các doanh nhân khác là nếu muốn kinh doanh và đó là đam mê của bạn thì hãy tiến lên.
"9 trong 10 người nói chuyện với bạn sẽ nghĩ bạn bị điên. Tôi vẫn kiên trì và kiên trì, rồi kết quả đã chứng minh rằng nếu dùng trái tim và theo đuổi đam mê của mình, bạn thực sự sẽ không bao giờ phải làm việc ngày nào trong đời mình cả".
Anh Ngọc
Nguồn vnexpress
Đăng nhận xét