Kết hôn sau 3 năm yêu đương, tôi tưởng đã thấu hiểu người đàn ông của mình. Về ở với nhau, tôi mới phát hiện ra chồng mình là người bủn xỉn khủng khiếp. Là giáo viên hợp đồng ở một trường tiểu học, thu nhập mỗi tháng của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng, kinh tế gia đình phụ thuộc vào chồng, vì thế mọi chi tiêu trong gia đình cũng do chồng nắm giữ, tiền lương của tôi chỉ đủ trả vào việc phụ phí sinh hoạt.
Trước đây, thời còn yêu nhau, những ngày lễ hay kỉ niệm tình yêu, anh đều có quà tặng, đưa tôi đi xem phim, đi chơi anh đều trả tiền. Tôi vốn tính giản dị, lại tiếc tiền cho người yêu nên đi chơi cũng chỉ dám gợi ý anh dẫn vào những quán của sinh viên. Anh cũng không đề nghị đến những nơi sang trọng như một người đã có thu nhập, nhưng tôi chưa bao giờ nghi ngờ anh “kẹo kéo”.
Giờ đây, nhiều lúc tôi hối hận vì kết hôn vội vã khi chứng kiến cách xử sự liên quan đến tiền bạc của chồng. Tiền nong anh tính toán rất chi ly, hầu hết mọi khoản chi tiêu trong gia đình anh đều rất sít sao theo dõi. Khi tôi bày tỏ ý kiến thì anh bảo phải có thêm người hỗ trợ kẻo tôi sinh con xong tính hay quên nên anh phải thế.
Mỗi sáng, anh cho tôi 200 nghìn để mua thức ăn, hoa quả cho gia đình cả ngày và quy định chỉ được chi tiêu trong khoảng 200 nghìn đó, phát sinh ở ngoài thì tôi phải tự thu xếp. Khi về yêu cầu tôi phải giải trình ra từng khoản, cái gì anh cũng kêu ca tôi mua đắt không biết mặc cả. Nhìn cảnh chồng ngồi vật ra giữa nhà, tay sách tay bút cộng trừ từng đồng, từng hào mấy món đồ bếp mà tôi thấy ngán ngẩm. Hôm nào, gia đình có cỗ, xin anh thêm thì anh càu nhàu, ném tiền vào mặt rồi nói “Cô coi tiền của tôi như rác à?”.
Tôi lấy chồng xa, nên mỗi lần về thăm gia đình bố mẹ thì cũng phải chuẩn bị ít quà, đúng ra anh là rể phải hiểu được điều đó. Nhưng đằng này, anh lại coi đó như một cực hình, lần nào đưa tiền cho tôi mua đồ về, anh cũng tính toán, yêu cầu tôi phải mua thứ này rẻ, thứ kia rẻ, thậm chí có lần, anh còn bảo “lần sau không phải về quê nữa, năm về một lần, cho đỡ tốn kém”. Nhà tôi với nhà anh cách nhau có 20 cây số, không xa xôi là mấy, nhưng cả năm chắc tôi cũng chỉ dám về nhà mẹ đẻ có 2,3 lần vì anh sợ tốn kém, vì anh sợ tôi bòn rút tiền của nhà anh mang về cho bố mẹ tôi. Lần nào về quê, mẹ biết con gái khổ, cũng thương, cũng cho chút tiền bảo để giành mà mua quần áo, đi dạy lôi thôi quá người ta cười cho. Nghĩ đến phận mình mà tôi thấy chua chát là con mà chưa báo hiếu được gì cho bố mẹ, chỉ làm cho mẹ khổ, mẹ lo lắng, còn phải tằn tiện từng đồng lương hưu để cho con gái.
Nhìn các con cả năm, cả tháng chẳng được mua tới bộ quần áo mới nào. Con em mặc lại quần áo của thằng anh, thằng anh thì mặc lại quần áo của mọi người thương cho. Hai hàng nước mắt của tôi cứ chực trào ra khi con xin mẹ mua cho quần áo mới để đi học, mặc quần áo con trai các bạn cứ cười chê. Tôi lén bớt tiền ăn để mua quần áo cho con, khi anh biết anh mắng xối xả, chửi rủa tôi, thậm chí cắt nát cả bộ quần áo mà tôi mua cho con, con bé van nài, khóc lóc mà anh vẫn không tha. Ánh mắt ghê rợn của con nhìn bố, càng khiến cho tôi căm hận bản thân anh hơn căm hận chính sự hèn kém không kiếm ra tiền của tôi bấy nhiêu. Quần áo đồ dùng của anh thì tính toàn tiền triệu nhưng chỉ mua cái áo vài chục ngàn cho con thì anh lại làm như nó là chuyện động trời.
Đỉnh điểm là lần tôi bị sốt xuất huyết, anh cũng không nỡ đưa tôi vào viện, mà chỉ cho truyền nước ở nhà. Vào viện anh kêu tốn khoản này khoản kia mà chẳng giải quyết được việc gì, mấy ngày tôi ốm, anh cũng không mua nổi tới một miếng thịt ngon cho tôi, mà bắt tôi phải ăn cháo trắng từ ngày này qua ngày khác. Anh cũng không chăm bẵm, nhìn ngó gì mà chỉ có ba mẹ con tự chăm sóc nhau.
Những ngày nằm lủi thủi một mình trên giường, ngẫm cảnh mình, cảnh các con và nghĩ tới sự kiệt sỉ của chồng, khiến tôi không cầm được nước mắt và không muốn chịu thêm cảnh này một lúc nào nữa. Tôi không biết phải làm sao với người chồng bủn xỉn vô lối này đây? Tôi cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi quá!
Theo Nhà báo & Công luận
Đăng nhận xét